Văn phòng chia sẻ “hút” thế hệ trẻ
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu thị trường về văn phòng cho thuê, trong vài năm trở lại đây mô hình văn phòng chia sẻ đã được hình thành, phát triển nhiều ở các thành phố lớn và có tiềm năng trong tương lai.
[caption id="attachment_99295" align="aligncenter" width="600"]
Kinh tế và tiện ích
Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, 91% người sử dụng không gian làm việc chung thuộc thế hệ Y (millennials) là những người có độ tuổi dưới 35. Tỷ lệ này cao hơn so với trung bình thế giới là 67%. Ước tính, đến năm 2020, millennials sẽ chiếm 50% lực lượng lao động toàn cầu. Tại các đô thị như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội thế hệ này đang gia tăng gia tăng nhanh chóng, đây cũng là lý do mô hình văn phòng chia sẻ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu, giá trung bình của một chỗ ngồi tại văn phòng chia sẻ dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng tùy vị trí của tòa nhà hoặc thời hạn hợp đồng trong thời gian ngắn hay dài.
Có thể hình dung, một văn phòng chia sẻ trong giờ làm việc cũng tương tự như văn phòng của một công ty, bởi lẽ những người cùng thuê sau một thời gian làm việc trong môi trường chia sẻ đều trở nên thân quen, nhộn nhịp, thậm chí họ cùng chia sẻ những khó khăn trong công việc. Họ cũng bài trí bàn làm việc của mình đẹp mắt với bàn tiếp khách, hoa tươi, lịch để bàn, khung ảnh gia đình...
Bà Đặng Phương Hằng - Tổng Giám đốc của CBRE Việt Nam cho biết, nếu như trước đây một doanh nghiệp mới thành lập, các công ty startup (dưới 10 người) sẽ thường gặp khó khăn trong việc chi phí mở văn phòng, nhưng từ khi có mô hình văn phòng chia sẻ ra đời, mọi thứ đã trở nên tiện lợi hơn rất nhiều như địa điểm, không gian làm việc và đặc biệt là về vấn đề chi phí (do cùng chung văn phòng nên đã cắt giảm được rất nhiều chi phí không đáng có cho các doanh nghiệp này).
Việc thuê văn phòng chia sẻ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 80% chi phí văn phòng mà vẫn đáp ứng được các tiện ích của doanh nghiệp quả thực là con số đáng lưu tâm với các chủ doanh nghiệp. Đây cũng là những thuận lợi hỗ trợ rất lớn cho các công ty nhỏ và công ty khởi nghiệp trong khi điều kiện tài chính còn eo hẹp.
Theo Báo cáo của CBRE khảo sát về không gian làm việc chung, tính đến tháng 4/2018, có tổng cộng 19 không gian làm việc chung ở Hà Nội và 15 văn phòng chia sẻ xuất hiện ở TP HCM, đến từ 23 đơn vị điều hành, trong đó có 2 tên tuổi đến từ nước ngoài.
Số lượng không gian làm việc chung tại Việt Nam tăng lên 62% và ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng trung bình 55% trong vòng 5 năm qua. Dự báo đến cuối năm 2018, Hà Nội và TP HCM sẽ chiếm lần lượt 56% và 44% của tổng nguồn cung 45 không gian làm việc chung.
Đa phần không gian làm việc chung có xu hướng tập trung ở các khu vực cận trung tâm thành phố. Tại Hà Nội, nhiều không gian làm việc chung gần đây chọn địa điểm tại quận Cầu Giấy, là một khu vực tập trung văn phòng và thương mại mới nổi. Trong khi đó, mô hình văn phòng chia sẻ ở TP HCM có xu hướng rải rác khắp thành phố tại các quận ven trung tâm như Quận 1, 2, 3, 4, quận Bình Thạnh và Phú Nhuận.
Cũng theo bà Đặng Phương Hằng, xu hướng chung cho các công ty có quy mô nhỏ với nhân sự dưới 10 người là dùng mô hình văn phòng chia sẻ. Xu hướng này không chỉ phát triển ở Việt Nam mà các nước trong khu vực xu hướng sử dụng văn phòng chia sẻ cũng tăng lên rất nhiều trong thời gian vừa qua. “Chính vì nhu cầu cao nên nguồn cung cho mô hình này cũng ngày càng trở nên phong phú, linh hoạt”, bà Hằng nói thêm.
Thị trường khu vực cũng không ngoại lệ
[caption id="attachment_99296" align="aligncenter" width="600"]
Nghiên cứu về xu hướng văn phòng chia sẻ, Jones Lang LaSalle (JLL) cũng đồng thời vừa công bố báo cáo về sự tăng nhiệt của thị trường văn phòng cho thuê trong khu vực Đông Nam Á với làn sóng săn tìm văn phòng chia sẻ tăng lên mạnh mẽ. Quý I/2018, hấp thụ ròng sàn văn phòng trong khu vực đã vọt lên 6,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất trong vòng 15 tháng qua (5 quý liên tiếp). Trong khi đó, giai đoạn 2014-2016, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, hấp thụ ròng sàn văn phòng tại Đông Nam Á tăng với tốc độ trung bình 5,5% mỗi năm.
Đơn vị này dự báo nhu cầu văn phòng ở Đông Nam Á giai đoạn 2018-2022 sẽ giữ được phong độ tốt, với mức tăng trưởng 6% hàng năm, trong bối cảnh GDP tăng 5% thường niên.
Tại Singapore, nhiều thương vụ lớn từ các công ty công nghệ đình đám đã hoàn thành trong 2017, bao gồm Facebook và Grab với diện tích thuê lần lượt 23.300 m2 và 9.300 m2, tại tòa nhà Marina One. Những ông chủ co-working cũng đua nhau mở rộng diện tích, bao gồm coworking JustCo tại tòa nhà Marina One, co-working thứ hai của Ucommune tại tòa nhà Suntec City và co-working The Great Room trong tòa nhà Centennial Tower.
Tại thị trường Việt Nam, JLL ghi nhận nhu cầu không gian làm việc tăng trưởng nhanh, các nhà đầu tư đã trở nên quen thuộc với các tên tuổi, như Toong, NakeHub hoặc DreamPlex,… đang tìm kiếm các không gian để mở rộng hoạt động tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Tổng giám đốc JLL Việt Nam, Stephen Wyatt nhận định không gian làm việc chung linh hoạt có giá thuê thấp hơn, nhiều tiện nghi hơn so với văn phòng truyền thống. Với mô hình văn phòng mới mẻ và năng động này, doanh nghiệp trẻ đồng thời giảm được chi phí vận hành văn phòng.
Chuyên gia này cho biết thêm, mô hình co-working tại Đông Nam Á đang trên đà mở rộng nhanh chóng cùng với tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tại Singapore, không gian làm việc linh hoạt chiếm 2,8% diện tích sử dụng văn phòng, chỉ số tăng trưởng hàng năm kép đạt hơn 30% trong ba năm vừa qua.
Từ năm 2014 đến năm 2017, cổ phiếu mô hình co-working trên khắp châu Á Thái Bình Dương ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm là 35,7% cao hơn so với Mỹ (25,7%) và Châu Âu (21,6%) trong cùng kỳ. Ban đầu mục đích của không gian linh hoạt hướng tới những người làm việc tự do và các nhà khởi nghiệp, hiện nay các nhà cung cấp không gian linh hoạt đang điều chỉnh dịch vụ của họ để phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này đang trong giai đoạn thử nghiệm sử dụng co-working.
JLL đánh giá, mô hình văn phòng chia sẻ có thể vẫn còn mới mẻ nhưng với số lượng ngày càng tăng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo ra động lực thúc đẩy sự khởi nghiệp trong khu vực. Do đó, đây là mô hình có tiềm năng đáng kể trong câu chuyện phát triển của Đông Nam Á trong tương lai.
Theo Hồng Hương Enternews