TS. Lê Xuân Nghĩa: Cẩn trọng với cung tiền quá lớn!

Trước đề xuất giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các NHTM, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần rất thận trọng khi tăng cung tiền quá lớn trong nền kinh tế.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Cẩn trọng với cung tiền quá lớn!

Gần đây, một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra các kiến nghị chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong đó, có kiến nghị đáng lưu ý là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Cụ thể, nhóm nhà khoa học đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý 1/2022. Theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. "Bởi chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng".

Quy định của NHNN, hiện các NHTM đang thực hiện dự trữ bắt buộc 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng. 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Việc giảm tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với giải phóng thêm vốn để tổ chức tín dụng cho vay ra nền kinh tế - như một hành động nới lỏng chính sách tiền tệ và ngược lại.

Ngoài ra, nhóm nhà khoa học cũng đề xuất, bỏ quy định hạn mức tín dụng đối với các NHTM đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhằm giải phóng năng lực và tăng tính chủ động trong việc cấp tín dụng lành mạnh của các tổ chức tín dụng (TCTD), giảm thiểu can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho việc "nới room" tín dụng.

Đồng tình với đề xuất của nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, cũng đã từng đề xuất xem xét bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM. Tất nhiên vẫn cần có lộ trình, cùng với đó là các công cụ kiểm soát thay thế, tránh tín dụng tăng quá nóng, tiềm ẩn nợ xấu.

"Việc bỏ hạn mức tín dụng có thể áp dụng với các ngân hàng còn dư địa tăng trưởng, chất lượng tín dụng tốt (nợ xấu nội bảng xoay quanh 2%) và đạt chuẩn Basel II theo Thông tư 41", TS. Cấn Văn Lực nói.

Về đề xuất giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% trong năm 2021 và giảm thêm 0,5% trong quý I/2022, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, có thể cân nhắc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% trong năm 2021 và đầu năm 2022. Tuy nhiên cần rất thận trọng khi tăng cung tiền quá lớn.

"Có thể ví việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như sử dụng một chiếc máy bơm công suất lớn, là giải pháp bất đắc dĩ khi các phương án nới lỏng khác không đủ hiệu quả. Nhưng ngay cả khi có giảm tỷ lệ dự trữ bắt cũng thì cũng chỉ giảm tối đa 0,5% trong năm 2021 và năm 2022", ông Nghĩa khuyến nghị.

Thực tế, trong thời gian gần đây, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn luôn dồi dào, lãi suất qua đêm liên ngân hàng thường xuyên ở vùng thấp, khoảng 0,6%/năm. Lãi suất cho vay trên thị trường dân cư cũng đã giảm khá thấp so với thời điểm trước dịch (giảm khoảng 1,66%).

Dù nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng cần giảm thêm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế thì vẫn có một thực tế rằng, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng chủ yếu ở năng lực không đáp ứng đủ các điều kiện vay của ngân hàng. Vì vậy, việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ có thể bơm thêm vốn để các ngân hàng cho vay nhưng điều kiện cấp tín dụng không đổi thì vẫn chưa giải được bài toán trên. Vì vậy, cần nhiều giải pháp đồng bộ đang được các chuyên gia đề xuất như: Thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ; cần gói hỗ trợ giảm lãi suất từ chính sách tài khoá...

Theo Nguyễn Thoan (Nhà đầu tư)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video