Trung tâm tài chính quốc tế: Nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh từ định hướng phát triển kinh tế của thành phố gắn liền với phát triển thị trường tài chính là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, gắn với các cơ chế chính sách đặc thù, tầm nhìn dài hạn. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) đã có những chia sẻ với phóng viên.

Sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án xây dựng TTTCQT Việt Nam và hơn 2 năm đề xuất chính sách phát triển TTTCQT phù hợp với đặc điểm, điều kiện của thành phố, hiện nay, TTTCQT mang tính toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những “bước tiến” nào, thưa ông?

Ngay sau khi được Bộ Chính trị thông qua về chủ trương, thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện, góp ý cho dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về TTTCQT Việt Nam. Theo đó, đề xuất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tại dự thảo Nghị quyết, tạo nền tảng vững chắc cho việc hình thành và phát triển TTTC. Đây là khung pháp lý cơ sở, tạo điều kiện thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách đột phá, tháo gỡ các điểm nghẽn và giúp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh cho TTTCQT tại Việt Nam.

Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 222/2025/QH15 về TTTCQT Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2025, đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu thành quả của quá trình từ ấp ủ ý tưởng đến xây dựng khung pháp lý nền tảng cho TTTCQT của Việt Nam.

Theo đó, trên tinh thần đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật và chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 47-TB/TW, Nghị quyết của Quốc hội quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, là khung chính sách để phát triển TTTCQT, các nội dung chính sách chi tiết, cụ thể sẽ tiếp tục giao Chính phủ xây dựng các Nghị định hướng dẫn để triển khai.

Về mô hình, trên cơ sở xây dựng TTTCQT tại Việt Nam là kết nối, bổ trợ cho mạng lưới TTTCQT toàn cầu và khu vực, thành lập một TTTCQT tại Việt Nam đặt tại hai địa điểm TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, có sự phân công chức năng và định hướng rõ ràng, để đảm bảo sự phát triển hài hòa. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh phát triển thị trường vốn và ngân hàng quốc tế, Fintech, tài chính xanh, các dịch vụ hỗ trợ chuỗi cung ứng khu vực, gắn với khu thương mại tự do Vũng Tàu.

Vậy, để có thể trở thành thành viên của TTTCQT phải tuân thủ những quy định nào, thưa ông?

Quy định về thành viên TTTCQT được thiết kế theo hướng thông thoáng, thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường, đi kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát. Việc đăng ký và công nhận thành viên căn cứ vào tiêu chuẩn về năng lực tài chính, uy tín, lĩnh vực hoạt động phù hợp.

Ngoài ra, thành viên TTTCQT được hưởng nhiều ưu đãi như được phép thành lập công ty quản lý vốn để huy động vốn từ nước ngoài, được huy động vốn từ tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không cần thủ tục cấp phép (chỉ cần thực hiện báo cáo, khai báo), vay nợ với nước ngoài không tính vào nợ quốc gia và được tự do lựa chọn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế.

Đồng thời, các thành viên có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế, quy định phòng chống rửa tiền, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, báo cáo tài chính, tuân thủ quy định của Sở Giao dịch Hàng hóa, đảm bảo điều kiện thành viên và tuân thủ tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu. Đặc biệt, khi đầu tư từ TTTCQT vào Việt Nam, phải tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan khác.

Được biết, TTTCQT tại TP. Hồ Chí Minh gắn liền với những chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù áp dụng riêng cho thành phố. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?

Trên cơ sở thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết 222/2025/QH15 quy định các nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực quan trọng. Cụ thể, về tài chính-ngân hàng, quy định thành viên TTTCQT được tự do sử dụng ngoại tệ trong thanh toán, chuyển tiền, niêm yết, vay và cho vay, kể cả với nước ngoài, được hưởng cơ chế đặc thù đơn giản hóa thủ tục ngoại hối, tạo thuận lợi thu hút và luân chuyển dòng vốn quốc tế…

Đặc biệt, Nghị quyết có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo huy động vốn trong và ngoài nước, được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, trong đó có ưu đãi về thuế, phát triển tài chính xanh như tổ chức phát hành sản phẩm tài chính xanh, nhà đầu tư được áp dụng cơ chế ưu đãi, các chính sách phát triển thị trường bảo hiểm cũng như xây dựng hệ thống quản lý rủi ro minh bạch.

Nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân và ưu đãi thuế đối với nhiều dịch vụ và giao dịch tại TTTCQT nhằm thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, TTTCQT còn nới lỏng thị thực và tạm trú, thiết lập cơ chế “một cửa” hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh, ưu đãi về cấp giấy phép lao động, tuyển dụng lao động linh hoạt, các ưu đãi về tiền lương, an sinh xã hội… tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia đến làm việc và định cư.

Chính sách đặc thù còn cho phép kéo dài thời hạn sử dụng đất, cho phép người nước ngoài làm việc, đầu tư tại TTTCQT được phép mua và sở hữu nhà ở. Đặc biệt, cơ quan điều hành TTTCQT quy định về thử nghiệm có kiểm soát với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới chưa có quy định pháp luật; miễn trừ một số thủ tục, miễn trách nhiệm hành chính khi tuân thủ đúng; doanh nghiệp Fintech được hưởng ưu đãi đặc biệt và hỗ trợ tài chính để phát triển. Ngoài ra còn được ban hành chương trình ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy một số lĩnh vực trọng tâm như tài chính xanh, tài sản số và Fintech; thị trường hàng hóa phái sinh…

Nghị quyết 222/2025/QH15 quy định các cơ chế, chính sách “vượt trội” so với quy định hiện hành nhằm đa dạng hoá nguồn lực đầu tư, thu hút các nguồn lực tư nhân. Theo đó, TTTCQT được ưu tiên vốn đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư hệ thống hạ tầng của TTTCQT.

Những nội dung cơ chế, chính sách được thông qua tại Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/9/2025 là khung pháp lý nền tảng, mang tính định hướng chiến lược, tạo tiền đề vững chắc để thu hút đầu tư, phát triển. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho TTTCQT bằng các hướng dẫn chi tiết, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp thực tiễn, nhằm triển khai hiệu quả, kịp thời. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tài chính chuyên nghiệp, thu hút các định chế tài chính toàn cầu, nhà đầu tư chiến lược và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị tài chính khu vực và quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Ngân Hàng

Ba mô hình sàn giao dịch vàng phổ biến toàn cầu

Các sàn giao dịch vàng trên thế giới hoạt động đa dạng với cơ chế giám sát chặt chẽ, từ giao dịch vàng vật chất đến tài khoản và phái sinh. Mỗi mô hình có đặc điểm riêng nhưng đều hướng tới minh bạch, hiệu quả và bảo vệ nhà đầu tư.

Giá vàng hạ nhiệt: Cơ hội hay rủi ro?

Sau thỏa thuận Mỹ - Trung, giá vàng thế giới bước vào chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn, trong khi thị trường vàng Việt Nam vẫn chịu áp lực chênh lệch cao, đòi hỏi nhà đầu tư cân nhắc chiến lược thận trọng.

Video