Sân bay Hồng Kông lại tê liệt, giá vàng thế giới lập đỉnh mới

Cùng với thương chiến Mỹ-Trung, khủng hoảng chính trị Hồng Kông đang khiến giới đầu tư toàn cầu đổ xô tới những “hầm trú ẩn” như vàng...

Sân bay Hồng Kông lại tê liệt, giá vàng thế giới lập đỉnh mới

Biểu tình ở Hồng Kông tiếp tục có diễn biến căng thẳng mới, bất chấp sự cảnh báo của chính quyền vùng lãnh thổ và giới chức Trung Quốc đại lục. Cùng với thương chiến Mỹ-Trung, khủng hoảng chính trị Hồng Kông đang khiến giới đầu tư toàn cầu bán tháo tài sản rủi ro và đổ xô tới những "hầm trú ẩn" như vàng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 17h chiều ngày 13/8 đứng ở 1.533,7 USD/oz, tăng gần 1,5 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại New York. Đây là đỉnh giá mới của kim loại quý này trong vòng hơn 6 năm trở lại đây.

Trong nước, giá vàng miếng SJC bán ra cuối giờ chiều cũng đã lên mức 42,5 triệu đồng/lượng, lặp lại đỉnh giá của hơn 6 năm thiết lập vào tuần trước.

Hãng tin CNBC dẫn một tuyên bố từ cơ quan quản lý sân bay Hồng Kông cho biết toàn bộ dịch vụ check-in tại sân bay này bị dừng vào buổi chiều do lượng người biểu tình quá lớn có mặt tại sân bay. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ các chuyến bay từ Hồng Kông từ 4h30 chiều theo giờ địa phương bị hủy. Nhà chức trách kêu gọi hành khách không đến sân bay để tránh tình trạng bị mắc kẹt.

Khoảng 5.000 người biểu tình phản đối chính quyền Hồng Kông có mặt tại sân bay để biểu tình ngày thứ 5 liên tiếp. Vào chiều ngày thứ Hai, tất cả các chuyến bay từ sân bay Hồng Kông - nơi đón 72 triệu lượt hành khách mỗi năm - cũng đã phải hủy do biểu tình.

Phong trào biểu tình đòi dân chủ kéo dài từ tháng 6 đã đẩy Hồng Kông, trung tâm tài chính của châu Á, vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Giới quan sát lo ngại Hồng Kông sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế , thậm chí kéo nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Tình hình Hồng Kông đang đẩy tâm trạng bất an của giới đầu tư toàn cầu lên một ngưỡng cao mới, từ chỗ nhà đầu tư đã bất an vì cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, nguy cơ vỡ nợ của Argentina cũng là một lý do nữa để thị trường bán tháo các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu.

"Đây là một trường hợp rõ ràng của tâm lý sợ rủi ro. Khủng hoảng ở Argentina và ở Hong Kong, trên nền bức tranh kinh tế toàn cầu giảm tốc vì thương chiến", chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak thuộc DailyFX nhận xét trên Reuters.

"Các ngân hàng trung ương sẽ phải giảm lãi suất, nhưng họ sẽ khó làm gì được nhiều vì lãi suất đều đang ở mức thấp. Họ không có nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", ông Spivak nói.

Trong bối cảnh như vậy, vàng đang có môi trường hoàn hảo để tăng giá.

"Giá vàng sẽ duy trì trên ngưỡng 1.500 USD trong làn sóng tăng giá đang diễn ra", một báo cáo của công ty môi giới Philip Futures được Reuters trích dẫn.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng hơn 7 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên gần 848 tấn.

Theo Diệp Vũ (Vneconomy)

Giá vàng hạ nhiệt: Cơ hội hay rủi ro?

Sau thỏa thuận Mỹ - Trung, giá vàng thế giới bước vào chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn, trong khi thị trường vàng Việt Nam vẫn chịu áp lực chênh lệch cao, đòi hỏi nhà đầu tư cân nhắc chiến lược thận trọng.

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Video