Philippines và Malaysia hợp tác cho phép ngân hàng hoạt động xuyên biên giới ASEAN
Hôm 14/3, Philippines và Malaysia đã ký kết một thỏa thuận song phương tạo điều kiện cho các ngân hàng 2 bên có cơ hội kinh doanh vào thị trường nội địa, dựa trên khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN.
[caption id="attachment_14523" align="aligncenter" width="588"]
Ông Amando Tetangco Jr – Thống đốc ngân hàng nhà nước Philippines (Bangko Sentralng Pilipinas) và ông Zeti Akhatar Aziz – Thống đốc ngân hàng nhà nước Malaysia (Negara) đã ký kết thỏa thuận cho phép ba ngân hàng thuộc hạng tiêu chuẩn được phép tiếp cận và hoạt động một cách linh hoạt ở các nước đối tác.
Bình luận về sự kiện này, Thống đốc Ngân hàng Malaysia tuyên bố: “Điều này thể hiện một bước tiến quan trọng trong sự tiến bộ và phát triển của một thị trường ngân hàng hội nhập ASEAN, đồng thời hướng tới tăng cường thương mại và đầu tư nội hạt”.
Tháng 3 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) nhằm tiến tới quá trình hội nhập mới, trong đó thực hiện điều phối và cho phép các ngân hàng hoạt động tự do trong khu vực dưới tư cách là thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng của Malaysia có khả năng tận dụng lợi thế từ thỏa thuận của ASEAN tốt hơn nhiều so với các đối tác tới từ Philippines.
Một ngân hàng của Malaysia là CIMB Group Holdings đã cho thấy sự quan tâm trong việc tiếp cận thị trường Phillipines. Năm 2013, CIMB Group Holdings đã cố gắng mua lại một ngân hàng thương mại thuộc tập đoàn San Miguel của Phillipines. Tuy nhiên, các cuộc đàm phát đã thất bại, trong đó chủ yếu liên quan tới một số tranh cãi về quyền sở hữu đất.
Trong một cuộc kháo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương Philippines cho thấy, trọng tâm của các ngân hàng nước này đang hướng vào củng cố sự hiện diện trong nước thay vì cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Hai nhà băng là BDO Unibank và Ngân hàng quần đảo Philippines, thuộc tập đoàn Ayala Corp, là những nhà băng đầu tiên của Philippines đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các chi nhánh trong nước trước việc các nhà đầu tư nước ngoài tiến vào thị trường địa phương.
Tại hội nghị thượng đỉnh tại Kuala Lumpur vào tháng 11/ 2015, tổ chức ASEAN đã nhất trí thành lập Cộng đồng Kinh tế các nước Đông Nam Á (ASEAN Economic Community) nhằm thúc đẩy dòng chảy vốn, thương mại và lao động chuyên nghiệp trong thị trường gồm 625 triệu dân với tổng sản lượng kinh tế là 2.600 tỷ USD.
Theo Enternews