Lối thoát nào cho bảo hiểm Viễn Đông?
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) năm 2016 ghi nhận doanh thu 1.621 tỷ đồng, dù vậy vẫn lỗ sau thuế 251 tỷ đồng, đẩy lỗ luỹ kế lên 886 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế ngấp nghé 900 tỷ đồng
VASS ghi nhận doanh thu hoạt động bảo hiểm 1.621 tỷ đồng trong năm 2016, tăng gấp đôi năm 2015, song chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cùng chi phí quản lý doanh nghiệp còn tăng với biên độ lớn hơn khiến đơn vị này vẫn phải “ngậm ngùi” báo lỗ 251 tỷ đồng. Lỗ lũy kế theo đó vọt lên mức 886 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn điều lệ (300 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn là 646 tỷ đồng, bằng 2/5 nợ ngắn hạn (1.637 tỷ đồng), đe dọa khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
VASS lỗ “khủng” trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam năm vừa qua tiếp tục tăng trưởng tích cực. Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng tài sản của 62 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tới cuối năm 2016 ước đạt 239.413 tỷ đồng, tăng 18,2% so với năm 2015. Tổng doanh thu bảo hiểm năm 2016 là 101.767 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm ước 86.049 tỷ đồng, tăng 22,64%. Các doanh nghiệp cùng ngành như PVI, PTI, Bảo Minh hay Bảo Việt vẫn đều đặn báo lãi hàng trăm tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2016, tổng tài sản của VASS là 1.053 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 646 tỷ đồng, thấp hơn nhiều nợ ngắn hạn (1.633 tỷ đồng), đe doạ khả năng thanh khoản và hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Đây cũng là nội dung đã được Công ty TNHH Kiểm toán & Dịch vụ tin học TP. HCM (AISC) nêu ra trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016.
Theo hãng kiểm toán này, lỗ của VASS có thể còn tăng cao hơn nữa (lỗ luỹ kế gần 1.000 tỷ đồng), nếu VASS trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản nợ xấu theo đúng quy định.
Được thành lập từ cuối năm 2003, VASS là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân có mặt sớm nhất tại Việt Nam. Giai đoạn 2003-2007, đơn vị này chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng: Vốn điều lệ tăng hơn 4 lần từ 72 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng năm 2007; doanh thu phí bảo hiểm tăng 5 lần lên 168,5 tỷ đồng; lợi nhuận cũng rất khả quan, năm 2006 báo lãi sau thuế 22,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên kể từ năm 2008, tình hình của VASS bắt đầu lao dốc theo khủng hoảng tài chính toàn cầu. LNST năm 2008 giảm mạnh xuống mức 222 triệu đồng, trước khi lỗ nặng trong các năm 2009-2011. Lỗ lũy kế cuối năm 2011 lên tới 178 tỷ đồng, gần bằng ½ vốn điều lệ của công ty.
Để cải thiện tình hình, VASS năm 2012 đã quyết định giảm vốn điều lệ để xoá lỗ, làm sạch sổ sách nhằm thu hút nhà đầu tư. Ngày 18/6/2012, HĐQT VASS có Nghị quyết số 01 về việc thực hiện phương án tái cấu trúc công ty. Cụ thể, VASS tiến hành giảm vốn điều lệ xuống 40 tỷ đồng bằng cách đổi 10 cổ phần đang lưu hành thành một cổ phần mới. Số tiền 360 tỷ đồng chênh ra sẽ được dùng để làm sạch khoản lỗ lũy kế tính tới giữa năm 2012.
Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của bà Đỗ Thị Minh Đức (nay là Chủ tịch HĐQT VASS) để nhà đầu tư này đổ thêm 260 tỷ vào VASS, thông qua Công ty CP Bamboo Capital (HOSE: BCG), nhằm đẩy vốn điều lệ của VASS lên 300 tỷ đồng, qua đó tuân thủ các quy định về kinh doanh bảo hiểm.
Ngày 11/7/2012, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận phương án tái cấu trúc của VASS, đánh dấu trường hợp đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay được giảm vốn xóa lỗ đối với một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính (Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) trong năm 2012 cũng có đề xuất tương tự nhưng không được thông qua). Mặc dù có sự tham gia điều hành của nhân tố mới, song khiêm tốn về quy mô (vốn điều lệ bằng mức tối thiểu theo quy định đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ) cùng cạnh tranh gay gắt của các đối thủ sừng sỏ (Bảo Việt, PVI, Bảo Minh...) khiến thua lỗ của VASS ngày càng thêm nặng nề.
Năm 2014, VASS lỗ 42,7 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế vào cuối kỳ lên 216,6 tỷ đồng, trừ đi khoản 360 tỷ đồng giảm vốn bù lỗ và khoản lỗ lũy kế 178 tỷ đồng tính đến hết năm 2011; có nghĩa rằng VASS đã lỗ tới 398,6 tỷ đồng trong 2 năm 2012-2013 (không có số liệu chính thức cho giai đoạn này).
Năm tài chính 2015, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng gấp 3 lần lên 1.287 tỷ đồng, nhưng yếu kém trong công tác quản trị kinh doanh và quản lý doanh nghiệp khiến công ty bảo hiểm 13 năm tuổi phải hứng chịu khoản lỗ lên tới 418 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính tới cuối năm 2016 lên 886 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn điều lệ. Như vậy, tình hình của VASS 5 năm sau tái cơ cấu dường như còn xấu hơn nhiều so với năm 2012.
Nhiều khoản đầu tư thua lỗ
Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính kém hiệu quả, VASS còn có nhiều khoản đầu tư thua lỗ tiền tỷ. Tính tới cuối năm 2016, VASS đầu tư mua chứng khoán của 9 doanh nghiệp với tổng số tiền 64 tỷ đồng, tuy nhiên đã phải trích lập tới 17,9 tỷ đồng dự phòng cho... cả 9 thương vụ đầu tư trên.
Trong đó đáng kể là khoản dự phòng 11,2 tỷ đồng trên 46 tỷ đồng đã đầu tư vào Công ty CP An Phú, 4,7/13,8 tỷ đồng với Công ty CP Bột Bình An hay toàn bộ 100% khoản vay trị giá 1,9 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Vận tải Vinashin.
Trong mảng đầu tư, góp vốn dài hạn, VASS đã phải trích lập 99% khoản đầu tư 50 tỷ đồng vào Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông (VDSE) - một công ty con đã giải thể vào cuối năm ngoái, và trích lập toàn bộ khoản vốn góp 1,4 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư kinh doanh điện lực TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, còn 86 tỷ đồng phải thu từ hai cá nhân liên quan tới việc mua bán cổ phiếu các ngân hàng HBB, PNB và OCB từ những năm 2010, 2011, mà theo đơn vị kiểm toán (Công ty AISC) phải liệt kê vào danh mục nợ xấu và trích lập dự phòng 100%.
Đáng chú ý, VASS đang nắm giữ 8 triệu cổ phần của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14, với giá trị ghi sổ lên tới 195 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư Xây dựng Toàn Mỹ 14 được biết đến với dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 14 đoạn tỉnh Đắk Nông có tổng mức đầu tư 1.023,79 tỷ đồng. Dự án được hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 7/2015.
Trong lúc này, tương lai của VASS rất mờ mịt. Kể cả có được Bộ Tài chính cho phép sử dụng phương pháp cũ - giảm vốn để bù đắp lỗ, thì khoản lỗ lũy kế của VASS vẫn rất khó để làm sạch.