Giá vàng hạ nhiệt: Cơ hội hay rủi ro?
Tác động từ cung - cầu trên thị trường
Sau một thời gian dài căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã công bố thỏa thuận thương mại tại Geneva, Thụy Sĩ, đưa ra một hình thức “đình chiến tạm thời” kéo dài 90 ngày. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc áp thuế 10% lên hàng hóa Mỹ, còn Mỹ áp thuế 30% lên hàng hóa Trung Quốc. Động thái này được đánh giá là cũng đủ để tạo ra một làn sóng lạc quan tạm thời cho thị trường tài chính toàn cầu.
![]() |
Giá vàng đã sụt giảm mạnh, từ mức đỉnh 3.400 USD/ounce xuống còn khoảng 3.220 USD/ounce |
Dưới góc độ nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế, nhiều người cho rằng “bóng đen đang phủ lên kinh tế toàn cầu có vẻ như đã được dịu bớt, chí ít là trong 90 ngày”. Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên dù chưa đủ để giải quyết tận gốc những rủi ro vĩ mô. Điều này cũng lập tức phản ánh lên thị trường vàng, vốn là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn. Giá vàng đã sụt giảm mạnh, từ mức quanh đỉnh 3.400 USD/ounce xuống còn khoảng 3.220 USD/ounce. Mặc dù vẫn ở vùng cao, nhưng mức giảm hơn 180 USD là đáng kể.
Tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đặt ra câu hỏi có nên bán chốt lời sau khi lãi hơn 60% từ vàng trong năm qua, hay tiếp tục nắm giữ, thậm chí là có nên mua vào khi giá đang điều chỉnh? Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho rằng với nguyên tắc đầu tư dựa trên cấu trúc danh mục đa tài sản, việc mua hay bán cần căn cứ vào khẩu vị rủi ro và kế hoạch tài chính mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một cái nhìn toàn diện về cung – cầu vàng toàn cầu sẽ mang lại định hướng chiến lược rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới, quý I/2025 ghi nhận tổng nguồn cung vàng toàn cầu đạt 1.206 tấn, giảm mạnh so với 1.296 tấn của quý IV/2024. Trong đó, sản lượng khai thác chỉ còn 855 tấn, giảm so với 957 tấn quý trước. Số lượng vàng tái chế cũng sụt giảm.
Điều này lý giải vì sao giá vàng đã tăng vọt trong thời gian qua: “nguồn cung không theo kịp nhu cầu”. Dù giá vàng cao, việc khai thác vàng vẫn không dễ dàng vì chi phí xử lý và các yếu tố kèm theo như môi trường, an ninh... Trên thực tế, trung bình mỗi quý toàn thế giới chỉ sản xuất khoảng 1.200 tấn vàng. Đây là giới hạn vật lý và kỹ thuật của thị trường.
Về phía cầu, nhu cầu vàng đến từ bốn lĩnh vực chính: trang sức, công nghệ, ngân hàng trung ương và đầu tư.
Ở lĩnh vực trang sức, khi giá vàng lên cao, nhu cầu sẽ giảm mạnh, đặc biệt tại Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam lại có đặc thù khác biệt. Dữ liệu quý III/2024 cho thấy Việt Nam tiêu thụ 2,6 tấn vàng trang sức, quý 4 tăng lên 3,3 tấn và quý I/2025 đạt 3,5 tấn – ngược chiều xu hướng thế giới.
“Nguyên nhân đến từ thói quen tích trữ vàng nhẫn như một hình thức đầu tư lẫn tiêu dùng. Tại Việt Nam, vàng trang sức nhất là vàng nhẫn không chỉ để đeo mà còn để tích trữ, phòng ngừa rủi ro.
Ở lĩnh vực công nghệ, nhu cầu vẫn duy trì ổn định, tăng nhẹ 2%. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại và chính sách thuế có thể ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất và quyết định đầu tư vào nguyên vật liệu, trong đó có vàng.
Đối với ngân hàng trung ương – lực lượng mua vàng có ảnh hưởng lớn nhất, nhu cầu vẫn ở mức cao hơn trung bình 5 năm. Một số quốc gia như Ba Lan (có đường biên giới giáp Nga và Belarus) đang mua vào lượng lớn vàng, thể hiện rõ chiến lược dự trữ kinh tế phòng rủi ro địa chính trị. Tuy có giảm nhẹ so với quý trước nhưng tổng thể vẫn rất mạnh”, ông Tuấn cho biết.
Sự dịch chuyển của dòng tiền
Vị chuyên gia cũng phân tích thêm, tác động lớn nhất hiện nay đến thị trường vàng đến từ đầu tư. Quý I/2025, lượng vàng đầu tư toàn cầu lên đến 551,9 tấn, tăng vọt 170% so với 204 tấn cùng kỳ năm 2024. Đây là con số kỷ lục, phản ánh dòng tiền đang dồn vào vàng một cách mạnh mẽ, đặc biệt thông qua các quỹ ETF.
![]() |
Tại Việt Nam, vàng trang sức nhất là vàng nhẫn không chỉ để đeo mà còn để tích trữ, phòng ngừa rủi ro. Ảnh minh họa |
Quỹ SPDR (Spider Gold Trust) và nhiều quỹ tương tự tại Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Đức đang dẫn đầu làn sóng đầu tư vào vàng, với Mỹ đầu tư hơn 100 tấn vàng chỉ trong một quý. Trong các quỹ này, tiền của nhà đầu tư được dùng mua vàng vật chất thực sự, tạo ra nhu cầu thật trên thị trường.
Riêng ở Việt Nam, tình trạng “đi đâu cũng nghe người ta bàn chuyện mua vàng” đang xuất hiện rõ rệt, phản ánh tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ). Tuy nhiên, với sự tăng trưởng đầu tư mạnh đột biến như vậy, khả năng điều chỉnh giá là điều tất yếu, nhất là khi nhà đầu tư chốt lời hoặc dịch chuyển sang kênh khác như cổ phiếu, trong bối cảnh Mỹ - Trung đình chiến mang lại tâm lý tích cực cho thị trường chứng khoán.
Một điểm đáng lưu ý ở thị trường vàng trong nước là có diễn biến hoàn toàn khác, chênh lệch giá giữa vàng thế giới quy đổi và giá vàng trong nước có lúc lên đến hàng chục triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng SJC và vàng nhẫn hiện tại chênh khoảng 10 -15 triệu đồng/lượng và không giảm cùng chiều với giá vàng thế giới. Nguyên nhân đến từ cầu trong nước tăng mạnh, tính thanh khoản thấp, nhất là các quy định kiểm soát chặt chẽ.
Chiến lược cho nhà đầu tư
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng kinh doanh vàng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, khiến giá vàng trong nước có những phiên giảm mạnh liên tiếp. Việc đầu tư vàng lúc này, nhất là với nhà đầu tư cá nhân mới tham gia cần cực kỳ thận trọng.
Trả lời cho câu hỏi chiến lược phù hợp lúc này là gì, CEO AFA Capital cho rằng nhìn về dài hạn, các yếu tố cơ bản như nợ công Mỹ, chính sách kinh tế không ổn định, rủi ro địa chính trị vẫn ủng hộ xu hướng tăng của vàng. Tuy nhiên, về ngắn hạn, đà tăng quá mạnh trong năm 2024, đặc biệt là tăng 170% lượng đầu tư trong một năm có thể kéo theo áp lực điều chỉnh.
“Với những ai đã đầu tư vàng và đang lãi lớn, có thể cân nhắc chốt lời một phần, đưa tỷ trọng đầu tư về đúng mức mục tiêu, ví dụ từ 25% về lại 15%. Số tiền thu về có thể tái phân bổ vào các tài sản đang có cơ hội hơn như cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán đang hồi phục mạnh.
Với những người chưa sở hữu vàng và đang muốn mua vào thì thời điểm thị trường điều chỉnh là cơ hội giá hợp lý. Bài học lớn nhất vẫn là: Chiến lược rõ ràng, không chạy theo đám đông và luôn giữ danh mục ở trạng thái cân bằng, linh hoạt với biến động thị trường. Thị trường vàng không phải nơi để đầu cơ, mà là một kênh dài hạn nếu biết chọn thời điểm và tỷ trọng hợp lý”, chuyên gia khuyến nghị.