Cổ đông Seaprodex bất đồng về chủ trương hợp tác với Geleximco triển khai dự án đất vàng Đồng Khởi
Theo chủ trương ban đầu, Geleximco của ông Vũ Văn Tiền sẽ đóng tiền mua lô đất 2-4-6 Đồng Khởi thay cho Seaprodex. Tuy nhiên vấn đề này đã không nhận được sự đồng thuận từ các nhóm cổ đông lớn của Seaprodex.

Thảo luận tại Đại hội, chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền, người đồng thời là Phó chủ tịch Seaprodex cho biết từ năm 2005 Bộ Thủy sản đã mời và có cam kết với Geleximco về dự án này. Hiện công ty Geleximco Miền Nam đang sở hữu 15% cổ phần của Seaprodex.
Theo ông Tiền, có 2 vấn đề mà Bộ Thủy sản đã cam kết: Tiền đất sẽ do đối tác nộp. Seaprodex sẽ không nộp do vi phạm yếu tố đầu tư ngoài ngành. Bên cạnh đó, Seaprodex sẽ giữ lại thương hiệu, vị trí và 4.000m2 sàn xây dựng, 300 m2 tầng hầm.
Vấn đề mấu chốt mà nhiều cổ đông lớn của Seaprodex chưa thống nhất được là lấy hay không lấy nguồn tiền của Tổng công ty để thực hiện nghĩa vụ tài chính mua khu đất trên.
Ngay trước khi tiến hành đại hội, 2 cổ đông Vũ Đức Tâm và Nguyễn Khải Hưng sở hữu 7,07% cổ phần đã có đơn kiến nghị đề nghị đưa vào chương trình đại hội nội dung biểu quyết việc tiếp tục hợp đồng hợp tác đầu tư với Geleximco, biểu quyết về nghĩa vụ tài chính đối với khu đất… nhưng đã không nhận được đa số biểu quyết để đưa vào chương trình làm việc.
Ông Vũ Văn Tiền đã đề nghị Seaprodex không đóng tiền, Geleximco sẽ thực hiện nộp và hoàn trả 56 tỷ đồng đã tạm nộp như đã thỏa thuận. Lãnh đạo Seaprodex cũng cho biết là tiền trong tài khoản của Tổng công ty không đủ đóng. Nếu đi vay cần có tài sản thế chấp mà Seaprodex không được đầu tư ngoài ngành do vậy rất khó khăn trong việc đi vay tiền.
Sau nhiều bàn cãi, đại hội cũng đã chấp thuận thay đổi một số nội dung trong tờ trình. Khi tiến hành biểu quyết, có 20% cổ phần không đồng ý việc Seaprodex tạm nộp 56 tỷ tiền sử dụng đất lần 1 và có 63,73% không đồng ý việc Seaprodex không thực hiện đóng nốt số tiền còn lại.
Điều đáng chú ý chính cổ đông nhà nước đã phủ quyết nội dung quan trọng nhất liên quan đến dự án Đồng Khởi. Với tỷ lệ sở hữu 63,38% thì gần như mọi quyết sách của Seaprodex sẽ phụ thuộc vào quyết định của cổ đông nhà nước. Như vậy nhiều khả năng Seaprodex sẽ phải tổ chức một đại hội cổ đông bất thường để bàn luận lại về nghĩa vụ tài chính đối với dự án trên.
[caption id="attachment_19244" align="aligncenter" width="480"]
Hiện tại Seaprodex là doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối nên bị khá nhiều hạn chế về đầu tư vốn. Nhà nước đã chủ trương thoái vốn khỏi Seaprodex nhưng phương án cụ thể vẫn đang chờ quyết định cuối cùng từ Chính phủ.
Theo Trí thức trẻ