Áp lực trả nợ ở AAA
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hàng năm của CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (HOSE:AAA) khiêm tốn so với quy mô nợ vay khiến doanh nghiệp này chịu áp lực thanh toán các khoản vay nợ đến hạn trả.
Cổ phiếu bị pha loãng
Mặc dù doanh thu của AAA tăng, nhưng hệ số giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của doanh nghiệp này lại tăng lên 86,6%, so với mức 85,8% của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của AAA trong kỳ cũng giảm xuống mức 13,3%, so với mức 14% của cùng kỳ. Điều này cho thấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này có phần giảm sút.
Do phải mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên trong kỳ, AAA phải tăng thêm nguồn vốn vay. Do đó, chi phí tài chính trong kỳ đã tăng lên 64 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng trong kỳ vẫn ổn định so với kỳ trước, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 20% so với cùng kỳ.
2.554 tỷ đồng là tổng số nợ phải trả của CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát tính đến ngày 30/9/2017.
Theo đó, AAA đạt lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng hoạt động.
Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu AAA tăng 11,83%, nhưng trong tháng qua lại giảm 12,66%. Theo phân tích kỹ thuật, cổ phiếu này vẫn đang điều chỉnh trong ngắn hạn, không ngoại trừ khả năng xuống tới 25.000đồng/CP trong ngắn hạn.
Mặc dù kết quả kinh doanh của AAA khởi sắc, nhưng giá cổ phiếu của doanh nghiệp này vẫn sụt giảm là do cổ phiếu AAA đã bị pha loãng khi doanh nghiệp này phát hành 24,35 triệu cổ phiếu để thực hiện chứng quyền kèm theo trái phiếu phát hành năm 2015 với mức giá 11.500 đồng/CP. Ngày 6/11, HĐQT AAA tiếp tục chốt danh sách để thực hiện chứng quyền đợt 3.
Quy mô nợ lớn
Tính đến 30/9, tổng số nợ phải trả của AAA là 2.554 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn là 2.057 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này ở mức 1.222 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của AAA ở mức gần 2,1 lần, cho thấy áp lực trả nợ của doanh nghiệp này khá lớn.
Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu bình quân của AAA trong giai đoạn 2007-2017 là 100%, con số này tại các thời điểm đầu tư mở rộng có thể lên tới hơn 200%.
Từ cuối năm 2015, cơ cấu nợ vay dài hạn của AAA đã thay đổi sau khi doanh nghiệp này huy động vốn vay bằng trái phiếu thay vì chỉ vay ngân hàng như trước. Lần phát hành trái phiếu này đã giúp AAA huy động được 300 tỷ đồng và có chứng quyền kèm theo. Tính tới thời điểm cuối quý 3/2017, AAA có dư nợ trái phiếu hơn 456 tỷ đồng, chiếm khoảng 42% tổng nợ vay dài hạn, con số này đối với các khoản vay ngân hàng chỉ 31%, phần còn lại đến từ các khoản vay cá nhân và An Phát Holdings.
Từ năm 2017, các hoạt động vay thêm nợ vay dài hạn của AAA đã giảm dần, việc vay thêm chủ yếu do các công ty con (An Thành, An Tín) thực hiện để tài trợ cho các hoạt động đầu tư vào nhà máy 6 và nhà máy 7.
Tuy nhiên, nợ vay ngắn hạn sẽ vẫn ở mức cao, khoảng trên/dưới 1.000 tỷ/năm trong những năm tới để tài trợ nhu cầu vốn lưu động lớn trước khi dòng tiền sinh ra đủ đáp ứng nhu cầu vốn lưu động trong giai đoạn sau đó. Nhu cầu vay ngắn hạn của AAA chủ yếu phục vụ chi trả tiền mua nguyên liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của AAA sinh ra hàng năm khá khiêm tốn so với quy mô nợ vay khiến doanh nghiệp này chịu áp lực thanh toán các khoản vay nợ đến hạn trả. Tổng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của AAA trong giai đoạn 2007-2016 chỉ đạt 313 tỷ đồng, trong khi tổng dòng tiền vay ròng trong suốt giai đoạn trên là 1.777 tỷ đồng. Với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của AAA khiếm tốn so với dư nợ vay hiện tại, doanh nghiệp này đang sử dụng chính sách quay vòng nợ hàng năm để tài trợ cho các dự án đầu tư mở rộng.
Những rủi ro khi xuất khẩu
Các sản phẩm đầu ra của AAA chủ yếu được xuất khẩu, trong khi nguồn nguyên liệu được nhập khẩu hoàn toàn. Do đó, biến động tỷ giá có thể khiến AAA bị lỗ do chênh lệch tỷ giá như giai đoạn 2015-2016.
Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa có thể tác động xấu tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp nhựa. Rủi ro này đối với AAA hiện không cao, bởi nguyên liệu chính của AAA là nhựa PE, mà loại nhựa này chưa sản xuất được ở trong nước, nên không thuộc đối tượng bảo hộ của Nhà nước. Hiện Nhà nước chỉ áp dụng chính sách bảo hộ bằng thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu PP và PVC- hai nguyên liệu đã được sản xuất trong nước). Tuy nhiên thời gian tới, nếu nhựa PE được Nhà nước bảo hộ như 2 nguyên liệu nói trên, thì sẽ là thách thức đối với AAA, nếu doanh nghiệp này vẫn duy trì nhập khẩu loại nhựa này.
Ngoài ra, ngành nhựa thế giới đang chuyển mạnh sang sử dụng nguyên liệu nhựa sinh học, có khả năng tự phân hủy và thân thiện với môi trường. Trong khi đó, sản phẩm nhựa của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhựa truyền thống. Do đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu nhựa sinh học tự phân hủy của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam nói chung và AAA nói riêng còn rất thấp. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm nhựa tự phân hủy của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, giá thành cao, nên chưa chiếm được ưu thế vượt trội trên thị trường quốc tế.
Các sản phẩm xuất khẩu của AAA có thể sẽ gặp khó khăn ở thị trường châu Âu do các quy định về giảm tỷ lệ sử dụng túi nilon và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do tác động của Brexit. Thị trường Hoa Kỳ phải đối mặt với thuế chống bán phá giá và chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống Trump. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa tại thị trường Nhật Bản cũng có dấu hiệu sụt giảm.
Theo Thanh Thiên DĐDN