“Cởi trói” cho quy định cấm dùng chung cư làm văn phòng

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây, ông Trần Thế Quỳnh (Hà Nội) phản ánh bất cập trong quy định doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ không được đặt trụ sở tại nhà chung cư và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh.

[caption id="attachment_67659" align="aligncenter" width="665"] TP.HCM có hơn 2.000 DN đang kinh doanh trong các khu chung cư (Ảnh: Tuổi trẻ)[/caption]

Theo ý kiến của ông Quỳnh, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có vài ba nhân viên, cùng bộ bàn ghế, máy tính làm việc. Để tiết kiệm chi phí ban đầu, các doanh nghiệp này thường phải sử dụng nhà riêng ở chung cư làm văn phòng. Tuy nhiên, do quy định không cho phép nên doanh nghiệp phải đi thuê địa điểm để làm trụ sở đăng ký kinh doanh, vừa bất hợp lý, vừa thêm chi phí không cần thiết.

Do vậy, ông Quỳnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy định hợp lý hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ hoạt động.

Kiến nghị sửa Luật

Đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp nhỏ lên tiếng về những bất cập trong quy định cấm dùng chung cư làm văn phòng. Chia sẻ với DĐDN, anh Tiến – GĐ Công ty phần mềm Hà Nội cho biết, Công ty của anh chuyên lập trình website và sản xuất phần mềm, chính vì thế lượng khách tới lui cũng không nhiều.

"Tôi mua căn hộ và đăng ký kinh doanh tại nhà đã hơn 3 năm nay mà không gây xích mích hay phiền phức đến các hộ xung quanh. Ban quản lý tòa nhà cũng chưa hề có ý kiến gì. Nay Nghị định mới đẩy chúng tôi khỏi chung cư. Trong khi thuê văn phòng trong nội thành rất đắt buộc tôi và rất nhiều doanh nghiệp khác phải ra ngoại thành hoạt động vì ngân quỹ ít ỏi” - anh Tiến cho biết.

 Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp sử dụng nhà chung cư để ở làm văn phòng hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các doanh nghiệp mới thành lập. Ưu điểm của việc thuê nhà chung cư là giá thành khá phù hợp với tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Việc cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng vô hình chung khiến các doanh nghiệp mới khởi nghiệp phải tốn chi phí thuê mặt bằng khá đắt đỏ. Việc này là một cản trở rất lớn đến hoạt động khởi nghiệp đang được khuyến khích hiện nay.

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng đề nghị sửa đổi khoản 11 điều 6 Luật Nhà ở theo hướng cho phép đăng ký kinh doanh doanh nghiệp siêu nhỏ, có số lao động không quá 3 người được hoạt động tại căn hộ chung cư để khuyến khích phong trào khởi nghiệp.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để có một chỗ làm việc tại khu văn phòng startup, một doanh nghiệp nhỏ thường phải trả trung bình 2,5 triệu đồng/tháng. Để thuê một văn phòng riêng cho 3-5 người mất trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chi phí này tuy không lớn nhưng lại rất có ý nghĩa với các startup khi mới khởi nghiệp.

Ông Châu cung không quên đưa ra giải pháp đề cao vai trò của chính quyền sở tại và tổ dân phố xung quanh bằng một dạng “khế ước xã hội” để giám sát các doanh nghiệp “siêu nhỏ” khi họ “lớn dần” phải có trách nhiệm lại với cộng đồng bằng cách chuyển đi, không gây phiền đến xung quanh.

Ông Châu hi vọng đây sẽ là một cú hích, một sự hỗ trợ cần thiết cho giới trẻ hiện nay, cổ vũ phong trào khởi nghiệp lan tỏa.

Cần linh hoạt

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, nhu cầu sử dụng dịch vụ trong các chung cư, cũng như nhu cầu cho thuê mặt bằng chung cư rất lớn. Theo ông Hưng, cơ quan quản lý cần rà soát lại các chung cư, nếu công năng sử dụng vào mục đích sinh hoạt không còn, thì nên tạo điều kiện chuyển đổi thành văn phòng hoặc nơi kinh doanh.

“Có chung cư giá trị sử dụng không còn, người dân đã chuyển đi nhưng lại có vị trí thuận lợi phục vụ cho việc kinh doanh, thì cũng nên tạo điều kiện cho thuê nếu không ảnh hưởng tới an ninh trật tự cũng như kết cấu kỹ thuật của chung cư”, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu ý kiến.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) nhận định việc chủ căn hộ cho người khác thuê căn hộ làm kinh doanh là một thỏa thuận dân sự. Như vậy, nếu ở đâu mà cộng đồng dân cư chấp nhận thì nhà nước không nên can thiệp cho áp luật để cho phép hay không.

“Việc quản lý an ninh trật tự như thế nào đó là trách nhiệm của phía ban quản lý chung cư, chủ đầu tư chung cư đó. Nếu họ quản lý an ninh trật tự tốt, dân cư không phản đối thì tôi nghĩ việc doanh nghiệp mở văn phòng trong chung cư cũng không có vấn đề gì cả”, luật sư Huỳnh nêu quan điểm.

Một chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, đa số doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, nếu ép họ thực hiện theo đúng luật Nhà ở sẽ rất khó vì phát sinh thêm một khoản chi phí rất lớn. Vì vậy, cơ quan quản lý nên hạn chế một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù gây mất an ninh trật tự như: nhà hàng, quán bar, cà phê… Còn với những doanh nghiệp nhỏ chỉ lấy chung cư làm văn phòng với mục đích lấy địa điểm giao dịch, nhận thư từ… thì cũng cần linh động.

Theo thống kê, TP.HCM có hơn 2.000 doanh nghiệp đang kinh doanh trong các khu chung cư. Theo kế hoạch đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là vấn đề về lâu dài cần phải tính. “Nếu doanh nghiệp đủ lớn mạnh thì ai muốn đặt trụ sở hoặc văn phòng trong chung cư” – Một đơn vị nghiên cứu thị trường để câu hỏi ngỏ.

Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định: Trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh này phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Như vậy, theo Nghị định trên, kể từ 10-12-2015, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải căn hộ chung cư trong 6 tháng. Sau ngày 10-6-2016, mọi hoạt động kinh doanh tại căn hộ chung cư được coi là trái quy định pháp luật.

Theo Thiên Bình DĐDN

Tags:

Đề xuất đáng lưu ý về nhà ở xã hội

Nhu cầu cấp thiết của người dân với loại hình nhà ở xã hội (NƠXH), nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, người lao động trong các khu công nghiệp, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… xưa nay vẫn luôn là một vấn đề “nóng” trong xã hội. Vì vậy, sau khi một báo cáo đề xuất của UBND TP Hà Nội được công bố mới đây, không chỉ người dân, mà chính quyền nhiều tỉnh, thành khác cũng rất quan tâm, trông đợi.

Video