Vì sao Vietinbank và VPBank muốn rút khỏi Cảng Sài Gòn ?

Chỉ sau một năm góp vốn làm nhà đầu tư chiến lược của Cảng Sài Gòn, ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã có tờ trình xin thoái toàn bộ vốn tại đây trong kỳ đại hội cổ đông lần thứ 2.

Vì sao hai ngân hàng này chỉ nhận làm cổ đông chiến lược trong… 1 năm?

[caption id="attachment_18554" align="aligncenter" width="588"]Cơ cấu cổ đông của Cảng Sài Gòn tính đến ngày 28/08/2015 (Đvt: %) – Nguồn: Tài liệu ĐHCĐ lần thứ nhất Cảng Sài Gòn. Cơ cấu cổ đông của Cảng Sài Gòn tính đến ngày 28/08/2015 (Đvt: %) – Nguồn: Tài liệu ĐHCĐ lần thứ nhất Cảng Sài Gòn.[/caption]

Chỉ cách đây một năm, Đại hội cổ đông lần thứ nhất của Cảng Sài Gòn diễn ra vô cùng hồ hởi. Các chủ sở hữu lớn, bao gồm Vinalines – Tcty mẹ, VPBank, Vietinbank, cổ đông liên quan SeaBank… đều đã có một chân sở hữu cổ phần trong cơ cấu cổ đông.

Nhà đầu tư chiến lược bất đắc dĩ

Tuy nhiên, lật ngược thời gian xa hơn một chút khi Cảng Sài Gòn IPO, việc các nhà đầu tư lớn tranh mua Cảng Sài Gòn, mỗi nhà đều có một nguyên do.

Chẳng hạn, ban đầu khi Cảng Sài Gòn vừa “dọ” danh sách nhà đầu tư, đã thu hút được nhiều tổ chức mong muốn tham gia. Tâm nguyện của Vingroup, không riêng gì Cảng Sài Gòn mà với các DN cảng lớn, có vị trị đắc địa gắn liền với những quỹ đất/ dự án mà Vingroup đã đang và muốn được phát triển, như Cảng Nha Trang, Cảng Hải Phòng, đều là chiến lược đầu tư dài hạn. Nên sự tham dự ban đầu của Vingroup là đương nhiên. Tương tự, Gemardept bày tỏ sự quan tâm nếu DN này tham gia IPO, sẽ là một cuộc đầu tư ngành dọc mang tính liên kết hạ tầng có ý nghĩa với DN và cả quy hoạch hạ tầng cơ bản.

Nhưng với VPBank và Vietinbank, tình hình khác hơn nhiều. Nếu như Vingroup đăng ký mua 80% trong tổng số hơn 35,7 triệu lượng cổ phần mà Cảng Sài Gòn dự kiến chào bán cho các nhà đầu tư chiến lược thì hai nhà đầu tư còn lại là VPBank, VietinBank, – mỗi ngân hàng đăng ký mua 11%. Trong khi Vingroup dự kiến góp vốn bằng phương thức “chồng” tiền mặt với giá không thấp hơn giá IPO, thì hai ngân hàng này có hai phương thức khác nhau. Vietinbank thì được chấp thuận chuyển nợ thành vốn góp. VPBank đặt cọc và thanh toán tiền mặt dù vẫn còn neo khoản nợ của Vinalines.

Ở thời điểm Cảng Sài Gòn muốn IPO thì đó là quyết định mang tính một công, đôi việc, thuận lợi mọi bề: Cảng Sài Gòn sạch nợ để hoàn bị thủ tục IPO, không còn vướng mắc trong tài sản khi định giá. Vietinbank có thể xóa được một khoản nợ xấu không nhỏ trong bảng cân đối tài sản. VPBank và SeaBank đều có cơ hội xoay xở hợp lý với khoản nợ của Vinalines và có kỳ vọng sinh từ đồng vốn góp trong tương lai – khi tạo điều kiện cho Cảng Sài Gòn trở mình từ DNNN được CPH và đi vào vận hành với những “luồng máu” mới.

Cũng chuyện cũ nhắc lại, kết quả IPO đến cùng là bất ngờ. Gemadept bỏ cuộc. Vingroup rút lui vào phút 89. Tỷ lệ sở hữu của Vietinbank và VPBank sau IPO cũng đã điều chỉnh giảm đáng kể so với mức đề nghị ban đầu. Có thể nói, bức tranh chung cuộc sau IPO đã không như nguyện ý của một số nhà đầu tư, khi Vingroup không có mặt – vắng một chân có ý nghĩa quan trọng trong viễn cảnh kinh doanh của Cảng Sài Gòn, đặc biệt trong cuộc bắt tay để xây dựng khu Cảng Nhà Rồng Khánh Hội thành trung tâm thương mại, ga hành khách và căn hộ ven sông.

Bước đệm đã thành?

Theo quy định thì nhà đầu tư chiến lược của Cảng Sài Gòn sẽ phải nắm giữ cổ phần không chuyển nhượng trong 5 năm. Vậy tại sao VPBank và Vietinbank muốn xóa vai trò đầu tư chiến lược? Và tại sao Vinalines đã chấp thuận đề nghị này?

Một số các yếu tố kinh doanh phát sinh của Cảng Sài Gòn trong năm có thể sẽ phần nào lý giải.

Như đã nói, nếu Vietinbank chuyển nợ thành vốn góp, VPBank đầu tư đều kì vọng vào cơ hội chuyển mình của DN. Mà một trong những cơ hội đó là thành lập Ngọc Viễn Đông (Cảng Sài Gòn nắm 26%), và bắt tay Vingroup để thực hiện đại dự án như đã nói ở trên thì sau 1 năm, đại dự án với kế hoạch chuyển đổi là hơn 32 ha, tổng mức đầu tư vào khoảng 11,000 tỷ đồng, kỳ vọng sẽ bán sản phẩm từ năm 2018 và mang lại cổ tức cho cổ đông trên 10%/năm… vẫn đang như “con tàu há mồm” đòi nuốt thêm vốn.

Cụ thể, nếu muốn giữ được tỷ lệ cũ, Ngọc Viễn Đông đề nghị Cảng Sài Gòn phải góp 1.100 tỷ đồng. Với tình hình tài chính hiện tại, Cảng Sài Gòn khó có thể rót thêm vốn. Việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nếu diễn ra, chắc chắn sẽ bị phủ quyết bởi chẳng khác nào móc tiền túi của cổ đông để giữ cổ phần cho DN.

Trong khi mục tiêu của các ngân hàng này là xử lý nợ. Cảng Sài Gòn quyết định xin chủ trương của Bộ Giao thông vận tải và đã có văn bản của Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn là lựa chọn khôn ngoan. Cũng đồng nghĩa kế hoạch sinh lời từ đại dự án, thiếu tới hai nhân tố (không phải một như sự thiếu mặt của Vingroup) ban đầu – chắc chắn sẽ phải có nhiều thay đổi.

Thực tế nếu xét về kết quả kinh doanh cụ thể, trong năm 2015, Cảng Sài Gòn đặt kế hoạch sản lượng hàng hóa 9.9 triệu tấn, doanh thu 992.5 tỷ, lãi sau thuế 64.2 tỷ đồng và không chia cổ tức. Cty đã vượt chỉ tiêu với doanh thu 1.046 tỷ đồng, lợi nhuận 85,5 tỷ đồng (tăng 19% so với năm trước). Nhưng giọt nước khiến “ly kiên nhẫn” của các cổ đông chiến lược tràn ra chính là triển vọng kinh doanh năm tới của Cảng Sài Gòn. Theo đó, đại hội cổ đông của Cảng Sài Gòn đưa kế hoạch năm 2016 với dự báo tình hình kinh doanh sẽ gặp khó khăn.

Tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt, cảng Nhà Rồng – Khánh Hội thực hiện lộ trình di dời và hoàn tất vào ngày 31/12/2016. Cảng Sài Gòn phải bàn giao mặt bằng cảng theo tiến độ từ ngày 15/4/2016, trong khi vẫn phải tiếp tục khai thác cảng trên diện tích còn lại. Năm đơn vị trực thuộc của Cảng Sài Gòn sẽ bị tác động. Như vậy sản lượng, doanh thu, lợi nhuận sẽ giảm sút. Bên cạnh đó các cảng Tân Thuận, Tân Thuận 2 sẽ phải chuyển đổi cơ cấu mặt bằng khai thác trong năm 2016, giai đoạn đầu sẽ gặp khó khăn. Dự án Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước chưa hoàn tất, tiến độ còn chậm. Với kế hoạch doanh thu 775 tỷ đồng, lợi nhuận 50 tỷ đồng, không chia cổ tức theo đúng phương án CPH, vốn mà các ngân hàng bỏ ra, nếu không đủ kiên nhẫn để đầu tư dài hạn, sẽ khó có thu hoạch.

Ở thời điểm này, khi thị trường BĐS đang sôi động, kế hoạch đại dự án của Cảng Sài Gòn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Đây chính là thời cơ thoái vốn, nếu muốn của cổ đông. Một chuyên gia cho rằng rất có thể đã có sự xuất hiện của nhà đầu tư mới, sẵn sàng “bắt” cổ phần của Cảng Sài Gòn từ tay Vietinbank và VPBank, để hưởng lợi thế của công cuộc di dời cảng Sài Gòn, phát triển đại dự án mà chỉ có những nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp mới có thể theo và “kham” nổi, trong khi 2 ngân hàng này cần thu tiền về. Về mặt tình và lý, Vietinbank lẫn VPBank cũng đều đã thực hiện được yêu cầu “thoái vốn đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư và tuân thủ mọi quy định của pháp luật”. Các cổ đông chiến lược này hẳn đã phần nào hoàn tất vai trò bước đệm ở Cảng Sài Gòn.

Theo DĐDN

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video