Sẽ thanh tra các dự án bất động sản cao cấp chiếm nhiều diện tích đất

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành Xây dựng diễn ra vào sáng nay (6/1/2017) tại Hà Nội.

[caption id="attachment_47182" align="aligncenter" width="700"]Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành Xây dựng Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành Xây dựng[/caption]

Thị trường bất động sản phát triển ổn định

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, trong năm 2016, Bộ đã tích cực, chủ động đề xuất và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp về vốn cho phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 theo quy định của pháp luật về nhà ở và vốn cho các chương trình hỗ trợ nhà ở theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở; giải trình trước Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 1, đề xuất các giải pháp, nhất là về nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả giai đoạn 2.

Tính đến hết tháng 12/2016, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8 m2 sàn/người (tăng 0,8 m2 sàn/người so với năm 2015); năm 2016, cả nước phát triển thêm khoảng 0,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,3 triệu m2.

Bộ đã tích cực, chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình thị trường bất động sản, kịp thời đề xuất các giải pháp để kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh trong ngắn hạn; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng hệ thống công cụ để điều tiết, kiểm soát, bình ổn thị trường bất động sản trong dài hạn. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trọng tâm là nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Duy, trong năm 2016, thị trường bất động sản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố: Giá cả ổn định; thanh khoản duy trì ở mức khá, cả về số lượng và giá trị giao dịch; Cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng với nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; Tồn kho bất động sản giảm mạnh; Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng khá; Tốc độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng tăng mạnh, tính đến hết tháng 11/2016 đã giải ngân 28.979 tỷ đồng (đạt 96,6%).

Bộ cũng đã thực hiện triệt để phân cấp quản lý nhà nước trong công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng. Rà soát, chuẩn hóa, công bố công khai TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, sau chuẩn hóa đã giảm từ 93 thủ tục xuống còn 46 thủ tục.

Chủ động đề xuất cải cách TTHC về cấp giấy phép xây dựng theo hướng: mở rộng đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng công trình từ 30 ngày xuống còn 20 ngày, đơn giản hóa điều kiện cấp phép và hồ sơ cấp phép. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với một số TTHC của ngành Xây dựng.

4 mục tiêu trong năm 2017

Thứ trưởng cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong năm 2016 gồm: Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn hạn chế; tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị.

Thị trường bất động sản phát triển chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu ở một số phân khúc sản phẩm; lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn (chủ yếu tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ, thiếu các dịch vụ thiết yếu).

Công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn chậm so với kế hoạch; chưa huy động được nhiều thành phần kinh tế và nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Do vậy, mục tiêu ngành Xây dựng  trong năm 2017 được Thứ trưởng đưa ra gồm: Thứ nhất, tổ chức kiểm tra một số dự án bất động sản cao cấp có quy mô lớn, chiếm nhiều diện tích đất.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê.

Thứ ba, triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội trọng điểm; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và sử dụng quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán thấp. Xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Theo Lưu Vân Enternews

Tags:

Đề xuất đáng lưu ý về nhà ở xã hội

Nhu cầu cấp thiết của người dân với loại hình nhà ở xã hội (NƠXH), nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, người lao động trong các khu công nghiệp, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… xưa nay vẫn luôn là một vấn đề “nóng” trong xã hội. Vì vậy, sau khi một báo cáo đề xuất của UBND TP Hà Nội được công bố mới đây, không chỉ người dân, mà chính quyền nhiều tỉnh, thành khác cũng rất quan tâm, trông đợi.

Video