Nợ xấu ở FE Credit có đáng lo?
Theo báo cáo tài chính quý 3/2017 công bố, tính đến 30/9/2017, VPBank có tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 2,6% trên dư nợ cho vay khách hàng, còn tỷ lệ nợ xấu của Fe Credit là 4,45%. Theo các chuyên gia, nợ xấu của Fe Credit - "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank đang ở mức cao nhất so với các Cty cho vay tiêu dùng. Vậy nợ xấu của DN này có đáng lo?
[caption id="attachment_75633" align="aligncenter" width="680"]
Nợ xấu của FE Credit ở mức cao nhất trong số các công ty tài chính tiêu dùng do tỷ lệ cho vay tiền mặt cao dành cho khách hàng mới. Tại thời điểm cuối năm 2016, FE Credit công bố tỷ lệ nợ xấu là khoảng 6% và nợ xấu được xóa là 9,19%.
FE Credit là DN gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng sau so với các đối thủ, do đó công ty đã tăng trưởng bằng cách tập trung vào mảng kinh doanh mới, cung cấp các khoản vay tiền mặt khách hàng đại chúng, tìm kiếm khách hàng thông qua marketing số dựa trên mô hình dữ liệu lớn, tăng trưởng dư nợ nhanh chóng để trở thành công ty lớn nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng.
Hiện FE Credit đã vượt cả Home Credit và HDSaison với dư nợ tăng lên 32 nghìn tỷ đồng, gấp 3,2 lần Home Credit và 4 lần HDSaison. Chênh lệch giữa hai công ty ở đây phần lớn là do tỷ trọng cho vay tiền mặt trong tổng danh mục cho vay.
Đến cuối năm 2016, trên thị trường Việt Nam có 12 công ty tài chính tiêu dùng nhưng 97% thị phần thuộc kiểm soát của top 4 công ty trong ngành. Bao gồm FE Credit (55% thị phần), Home Credit (17%), HDSaison (13) và Prudential Finance (12%).
Tuy nhiên, một số ngân hàng lớn cũng nhảy vào thị trường này với các công ty tài chính tiêu dùng như MBBank, Techcombank, Maritime Bank... Và những ngân hàng có đủ năng lực và nguồn nhân lực sẽ nhanh chóng mở rộng mảng kinh doanh này. Do đó, FE Credit sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn hơn từ các công ty tài chính tiêu dùng có ngân hàng hỗ trợ trong tương lai.
FE Credit duy trì tỷ lệ cho vay trung dài hạn ở mức cao nhất nếu so với Home Credit & HDSaison. Và khách hàng vay tại FE Credit là cá nhân và chỉ vay bằng VND. Trên thực tế, tiền gửi khách hàng chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu huy động của các công ty tài chính theo quy định của NHNN. Theo quy định, công ty tài chính không được phép nhận tiền gửi của cá nhân, mà chỉ được phép nhận tiền gửi của tổ chức (cả tổ chức tài chính và phi tài chính) hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu cho tổ chức hoặc vay tiền từ các ngân hàng và TCTD phi ngân hàng.
Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, thị trường tài chính tiêu dùng tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi toàn bộ các khoản vay không có tài sản đảm bảo, nếu việc quản trị rủi ro không cẩn trọng thì nợ xấu dâng cao là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, thị trường cũng cho vay tiêu dùng ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng khác đang nhảy vào tài chính tiêu dùng-một "miếng mồi béo bở", nhiều ngân hàng còn tìm đến sự trợ giúp đắc lực từ các đối tác nước ngoài để có thêm tiềm lực về tài chính và năng lực quản trị rủi ro.
Được biết, FE Credit vừa vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank, đây là khoản vay có đảm bảo bằng khoản phải thu.Ông Kalidas Ghose- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của FE Credit cho biết, khoản vay này sẽ gia tăng tiềm lực tài chính cho FE Credit, giúp củng cố thị phần tài chính tiêu dùng, hiện Cty nắm giữ gần 50%.
Về lãi suất vay, ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm nguồn vốn kiêm Giám đốc Trung tâm Huy động vốn FE Credit cho biết "Tính trên tổng thể, giá vốn khoản vay của Deustche bank thực ra cũng giá tương tự như lãi suất vay bằng tiền đồng ở trong nước. Nhưng điểm thuận lợi hơn là đó khoản vay được vay với thời hạn dài hơn, giúp cho FE có thêm khả năng về thanh khoản cũng như là an toàn vốn". Kì vọng của FE Credit là sau khoản vay này còn hợp tác lâu dài và tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường quốc tế.
FE Credit hiện đang “khát vốn” khi liên tục mở rộng thị phần trong nhiều năm qua. Tháng 8/2017, FE Credit đã tăng vốn điều lệ từ 2.790 tỉ đồng lên 4.474 tỉ đồng. Cuối năm 2016, FE Credit cũng ký kết hợp đồng vay hợp vốn có thời hạn trị giá 100 triệu USD với Credit Suisse - một trong những tổ chức thu xếp vốn nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị các khoản thu xếp vốn lên đến 7 tỷ USD cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam trong suốt nhiều năm qua...
Theo bản cáo bạch niêm yết của ngân hàng VPBank (sở hữu FE Credit), tính đến hết quý II/2017, tổng tài sản của FE Credit đạt 43.809 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2016. Thu nhập từ lãi thuần đạt 5.324 tỉ đồng và chỉ số an toàn vốn (CAR) ở mức 9,45%...