Lý giải việc Hà Nội nằm ngoài top 20 tỉnh thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất

Với 68,38 điểm, thành phố Hà Nội đứng ở vị trí 24 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024.
Với 68,38 điểm, thành phố Hà Nội đứng ở vị trí 24 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024. Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm. Ảnh: VCCI

Ngày 6.5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024. Báo cáo được công bố với mục tiêu đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, Hà Nội đạt 68,38 điểm, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành - tăng 4 bậc so với năm trước, nhưng vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò của một trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước.

Báo cáo PCI 2024 là kỳ công bố cuối cùng với đầy đủ dữ liệu của 63 địa phương, trước khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết Trung ương. Điều này khiến báo cáo năm nay có ý nghĩa đặc biệt, như một bản tổng kết toàn diện 20 năm theo dõi và cải thiện môi trường kinh doanh cấp địa phương.

Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng với 74,84 điểm, đẩy Quảng Ninh - địa phương nhiều năm liền giữ vị trí số 1 - xuống thứ hai với 73,2 điểm. Các địa phương khác như Long An (72,64 điểm), Bắc Giang (71,24 điểm) tiếp tục duy trì vị trí cao. Đáng chú ý, Hưng Yên lần đầu tiên lọt vào top 10 PCI.

Phân tích về việc Hà Nội chỉ đạt thứ hạng 24/63 tỉnh thành, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, điểm trung bình PCI toàn quốc đạt 67,67 điểm - tăng nhẹ so với năm 2023 và là năm thứ 8 liên tiếp vượt mốc 60 điểm, cho thấy tín hiệu tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh.

"Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp đánh giá cao những cải thiện rõ rệt trong chất lượng lao động, mức độ minh bạch thông tin, thủ tục gia nhập thị trường và hiệu quả hoạt động của các thiết chế pháp lý.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục, như khó khăn trong tiếp cận đất đai, tình trạng chi phí không chính thức có xu hướng quay trở lại, và tính năng động của chính quyền một số địa phương có dấu hiệu suy giảm nhẹ", ông Tuấn nói.

Riêng Hà Nội, dù có bước tiến so với năm trước, song vẫn còn nhiều dư địa để bứt phá. Là địa phương có khối lượng và độ phức tạp hoạt động kinh tế lớn, Thủ đô luôn đối mặt với thách thức cao hơn trong điều hành, đồng thời cũng chịu áp lực lớn hơn từ kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thời gian qua, Hà Nội đã và đang thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường minh bạch hóa thông tin, giảm chi phí không chính thức và phát huy vai trò trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là cần thực hiện đồng bộ cải cách ở cả cấp sở, ngành và quận, huyện, để tạo ra chuyển biến thực chất trong điều hành và thu hút đầu tư.

Nỗ lực này được kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội vươn lên mạnh mẽ hơn trong bảng xếp hạng PCI thời gian tới, tương xứng với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Theo Báo Lao Động

Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn diện

Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường, nhờ định hướng sớm và nhất quán.

Video