Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn diện

Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường, nhờ định hướng sớm và nhất quán.
Tăng trưởng xanh không chỉ là định hướng chiến lược mà đang trở thành nhu cầu sống còn của Việt Nam trong phát triển bền vững. Ảnh: Hải Nguyễn

Hơn ba thập kỷ đổi mới, Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng tăng trưởng vẫn chưa bền vững khi còn phụ thuộc vào đầu tư, tài nguyên và lao động giá rẻ. Tài nguyên suy giảm, ô nhiễm gia tăng, biến đổi khí hậu tác động nặng nề. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là lựa chọn tất yếu, phù hợp xu thế toàn cầu và nhu cầu nội tại, góp phần nâng cao chất lượng sống và năng lực thích ứng của nền kinh tế.

Nhận thức từ sớm, định hướng xuyên suốt

Việt Nam xác lập chủ trương phát triển bền vững và tăng trưởng xanh từ rất sớm. Ngay trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh yêu cầu gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 2001-2010, định hướng phát triển tiếp tục được khẳng định, bổ sung nội dung phát triển toàn diện con người và nâng cao chất lượng sống.

Ngày 12.4.2012, Chiến lược phát triển bền vững 2011-2020 được phê duyệt tại Quyết định 432/QĐ-TTg, xác định đây là yêu cầu xuyên suốt của toàn hệ thống chính trị.

Tiếp đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2050 (Quyết định 1393/QĐ-TTg) chính thức hóa định hướng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng.

Ngày 20.3.2014, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 được ban hành (Quyết định 403/QĐ-TTg), cụ thể hóa thành chương trình hành động cho các bộ, ngành và địa phương.

Hệ thống chính sách đồng bộ: Kinh tế - xã hội - môi trường

Về kinh tế, Việt Nam chủ trương nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua kết hợp hài hòa giữa phát triển chiều rộng và chiều sâu; đẩy mạnh năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp môi trường và công nghệ xanh. Đồng thời, từng bước xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường, tích hợp yếu tố môi trường - xã hội vào tài khoản quốc gia.

Ngành công nghiệp được tái cấu trúc theo hướng thân thiện môi trường, các đô thị lớn ưu tiên phát triển khu công nghệ cao, giảm ô nhiễm, tăng sử dụng năng lượng sạch. Trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, quá trình chuyển dịch cơ cấu gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, kiểm soát dân số và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đặc biệt, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học được khuyến khích ứng dụng để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi năng suất - chất lượng cao, gắn vùng nguyên liệu với chế biến sâu và tiêu thụ thị trường, phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Về xã hội, tăng trưởng xanh gắn với giảm nghèo, tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng dân số và bảo đảm công bằng xã hội. Việt Nam chú trọng chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ khỏe mạnh, cải thiện điều kiện lao động và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Các yếu tố như văn hóa tiêu dùng xanh, lối sống hài hòa với thiên nhiên, gắn kết đô thị - nông thôn và quản lý lao động di cư được coi là nền tảng xã hội trong quá trình xanh hóa phát triển.

Việt Nam cũng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh và tri thức. Hệ thống y tế được phát triển theo hướng toàn diện, ưu tiên dự phòng, sàng lọc bệnh tật và nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh môi trường.

Về tài nguyên và môi trường, Việt Nam tập trung nâng cao năng lực quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững đất, nước, khoáng sản và rừng. Nhiều chương trình tổng thể được triển khai đồng bộ như bảo vệ lưu vực sông, nguồn nước ngầm, xử lý nước thải đô thị, nông nghiệp, công nghiệp; kiểm soát ô nhiễm không khí, bụi mịn và tiếng ồn từ giao thông, xây dựng.

Chiến lược tăng trưởng xanh đặt mục tiêu chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô trước năm 2020, thúc đẩy chế biến sâu, phục hồi môi trường sau khai thác và ứng dụng công nghệ hiện đại trong toàn bộ quá trình khai thác.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp và bảo tồn sinh học, Việt Nam khuyến khích kết hợp tri thức bản địa với khoa học công nghệ, triển khai cơ chế chi trả dịch vụ môi trường, phát triển du lịch sinh thái và ổn định sinh kế bền vững cho người dân khu bảo tồn.

Tài nguyên biển được xác định là trụ cột mới, với định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đồng thời đảm bảo chủ quyền và gìn giữ môi trường sinh thái biển.

Từ cam kết đến hành động

Tăng trưởng xanh không chỉ là định hướng mà đang trở thành hành động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực và địa bàn. Mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, đô thị sinh thái, cộng đồng tiết kiệm năng lượng và chuỗi nông sản bền vững đang được đẩy mạnh, tạo nền tảng chuyển đổi sang phát triển chiều sâu.

Việt Nam cũng tích cực tham gia giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, khai thác rừng và di dân môi trường. Đồng thời, tăng cường hợp tác công nghệ, tài chính xanh và thực hiện trách nhiệm các cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris và SDGs.

Tăng trưởng xanh là hành trình lâu dài, đòi hỏi sự đồng thuận xã hội, quyết tâm chính trị nhất quán, nguồn lực tài chính đủ mạnh và đặc biệt là chuyển đổi tư duy phát triển ở mọi cấp. Đây là con đường không dễ đi nhưng tất yếu, vì sự bền vững của nền kinh tế, môi trường sống và các thế hệ tương lai phụ thuộc vào lựa chọn của hôm nay.

Theo Báo Lao Động

Video