Thị trường Halal - “cánh cửa mới” cho xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam

Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và chính sách bảo hộ gia tăng, thị trường Halal đang nổi lên như cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.
Báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu ước tính, chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2030 và gần 5.000 tỷ USD vào năm 2050. (Nguồn: Getty Images)

Chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ hay các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ một số quốc gia đang tạo áp lực không nhỏ lên xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, giá nguyên liệu tăng cao, chi phí logistics cao và sự cạnh tranh từ các quốc gia trong khu vực càng làm cho bức tranh xuất khẩu trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới có xu hướng giảm, khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm kiếm những hướng đi mới.

Một trong những giải pháp hữu hiệu là tập trung vào các thị trường tiềm năng, trong đó ngành công nghiệp Halal nổi lên như một cơ hội lớn. Đây là lĩnh vực không chỉ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Hồi giáo mà còn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người tiêu dùng toàn cầu nhờ cam kết về chất lượng và an toàn. “Ngành công nghiệp Halal sẽ là một trong những trọng tâm hợp tác trong giai đoạn tới."

Một trong những điểm sáng về thị trường Halal chính là sự hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia có nền công nghiệp Halal mạnh mẽ, điển hình như Indonesia.

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP HCM cho biết, ngành công nghiệp Halal là trọng tâm hợp tác không chỉ giữa hai quốc gia mà còn với các quốc gia khác trong khu vực, như UAE. Indonesia, với hơn 280 triệu dân, chủ yếu là người Hồi giáo, là thị trường Halal lớn nhất thế giới.

Theo dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường Halal sẽ đạt 10 nghìn tỷ USD, trong đó ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) sẽ chiếm phần lớn, khoảng 5,91 nghìn tỷ USD vào năm 2033. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Halal sang thị trường này.

Không chỉ Indonesia, thị trường Halal tại UAE cũng mang lại tiềm năng lớn. Theo thông tin từ ông Trương Xuân Trung, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE, ngành công nghiệp thực phẩm Halal của UAE có trị giá lên đến 19 tỷ USD. Đây là một thị trường mở, với nhu cầu tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm Halal phục vụ cho dân số Hồi giáo đang tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực này. Thêm vào đó, UAE là một trung tâm tái xuất khẩu hàng hóa Halal ra khắp các khu vực khác, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường Halal không phải là "miếng bánh" dễ dàng chiếm lĩnh. Bên cạnh cơ hội lớn, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức khi bước vào thị trường này. Đặc biệt, Indonesia và UAE đều có những tiêu chuẩn Halal khắt khe và yêu cầu chứng nhận chất lượng sản phẩm. Tại Indonesia, sản phẩm Halal phải được cấp chứng nhận bởi Cơ quan Quản lý bảo đảm sản phẩm Halal Indonesia (BPJPH). Hơn nữa, sản phẩm không đạt chuẩn sẽ phải ghi rõ "Non-Halal" trên bao bì, điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ quy trình chứng nhận nghiêm ngặt.

Quy trình chứng nhận Halal tại Indonesia yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện một loạt bước nghiêm ngặt, bao gồm đánh giá hồ sơ, kiểm tra thực tế, và có giám sát viên Halal theo tiêu chuẩn SJPH số 20/2023. Sau khi hoàn thành, doanh nghiệp cần đăng ký sản phẩm trên hệ thống SIHALAL và tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn Halal chính thức. Quy trình này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư bài bản từ khâu sản xuất, đóng gói cho đến vận chuyển.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng phát triển xuất khẩu thực phẩm Halal. Tuy nhiên, thực tế xuất khẩu thực phẩm vào thị trường này của các doanh nghiệp Việt vẫn đang ở giai đoạn khai phá. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có chứng nhận Halal và khả năng tiếp cận thị trường Halal toàn cầu vẫn còn rất hạn chế. “Thị trường Halal sẽ là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu trong giai đoạn tới."

Để có thể tận dụng cơ hội từ thị trường Halal, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng và bài bản. Một trong những yếu tố quan trọng là cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về Halal, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy trình chứng nhận phù hợp với yêu cầu quốc tế. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác với các đối tác trong ngành Halal, như Indonesia và UAE, để trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt nhất trong việc chứng nhận và sản xuất sản phẩm Halal là rất cần thiết.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào đào tạo nhân lực chuyên trách về Halal, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đồng thời chủ động trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với các tổ chức quốc tế chuyên cung cấp chứng nhận Halal. Chính phủ và các cơ quan xúc tiến thương mại cũng cần tạo ra các chính sách hỗ trợ phù hợp, từ việc cấp ngân sách cho việc chứng nhận sản phẩm đến việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế về Halal.

Thị trường Halal đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược đúng đắn, đồng thời phải vượt qua những thách thức về chứng nhận chất lượng và tiêu chuẩn Halal.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hỗ trợ từ chính phủ, Việt Nam có thể vươn tới một thị trường xuất khẩu tiềm năng, đồng thời khẳng định uy tín trên trường quốc tế trong ngành công nghiệp Halal.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn diện

Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường, nhờ định hướng sớm và nhất quán.

Video