TPHCM chuẩn bị đón làn sóng đầu tư khi sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

TPHCM cần xây dựng chiến lược và quy hoạch trong tháng 5, 6 để đón đầu làn sóng đầu tư, kinh doanh sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
TPHCM chuẩn bị sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Anh Tú

Vấn đề trên được TS Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nêu tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 4, tổ chức ngày 8.5.

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập TPHCM với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

TS Trương Minh Huy Vũ đánh giá đây là “cơ hội của tương lai” và thành phố cần bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ, bằng cách xây dựng chiến lược, lập quy hoạch trong tháng 5 và 6 để đón đầu làn sóng đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn mới.

TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM

TS Trương Minh Huy Vũ cũng đề xuất TPHCM cần đi đầu xây dựng những chương trình, sáng kiến mạnh mẽ để phát triển kinh tế tư nhân. Đây là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển trong giai đoạn tới.

Theo Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và bổ sung tại TPHCM đạt 229.394 tỉ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp giảm, nhưng vốn bổ sung lại tăng mạnh 73,8%, cho thấy xu hướng tái cấu trúc và đầu tư chiều sâu trong khu vực tư nhân.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, TPHCM tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Thành phố đang xây dựng Đề án “Thí điểm cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo” và đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch công nghệ.

Ngoài ra, TPHCM còn triển khai các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, huy động nguồn lực phát triển theo Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 41-NQ/TW, nhằm phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM

Cũng theo bà Mai, điểm sáng rõ rệt của kinh tế TPHCM trong tháng 4 là tổng thu ngân sách hơn 202.000 tỉ đồng, thu nội địa chiếm 160.976 tỉ đồng, còn lại là thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 41.214 tỉ đồng.

Bà Mai nhận định mức tăng trưởng này phản ánh sự phục hồi đáng ghi nhận của ngành công nghiệp thành phố sau những biến động toàn cầu.

Tuy vậy, theo TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng, đà tăng của công nghiệp cần được nhìn nhận với thái độ thận trọng.

Ông Vũ lý giải rằng, mức tăng xuất khẩu trong tháng 4 phần lớn đến từ yếu tố “thời điểm” khi Mỹ tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày, khiến doanh nghiệp tranh thủ đẩy mạnh xuất hàng sang thị trường này.

“Chúng ta không thể dùng số liệu tháng 4 để kết luận rằng công nghiệp đã phục hồi bền vững” - TS Vũ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu lại cho thấy, nhiều thị trường có dấu hiệu chững lại, đặc biệt là Trung Quốc, do đơn hàng mới chưa mở rộng, cùng với ảnh hưởng từ việc tái cấu trúc thị trường và biến động tỉ giá giữa USD và Nhân dân tệ dưới sức ép cạnh tranh Mỹ - Trung.

Cùng với thu ngân sách, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 128.886 tỉ đồng, tăng tới 37,6% so với cùng kỳ.

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, việc tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) 2025 đã kéo lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến TPHCM.

Các sự kiện lớn không chỉ được tổ chức an toàn, quy mô mà còn gắn kết hiệu quả với thương mại, văn hóa và chương trình kích cầu tiêu dùng. Đây là “bệ phóng” cho dịch vụ thành phố trong ngắn và trung hạn.

Từ thực tiễn trên, ông Vũ đề xuất thành phố cần nhanh chóng nâng cấp hạ tầng dịch vụ, văn hóa và du lịch - cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực - nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đón lượng lớn khách cùng lúc trong tương lai.

Theo Báo Lao Động

Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn diện

Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường, nhờ định hướng sớm và nhất quán.

Video