Cần siết chặt khâu hậu kiểm thực phẩm chức năng để bảo vệ người tiêu dùng

Thị trường thực phẩm chức năng có hàng nghìn loại sản phẩm đang lưu hành, đằng sau sự tăng trưởng ấy là việc công bố dễ dàng, hậu kiểm lỏng lẻo.

Người bệnh lạc giữa "ma trận" thực phẩm chức năng

Bà Nguyễn Thị Hảo tại Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) bị chứng đau mỏi xương khớp, vai gáy đã được một thời gian, thấy vợ bị bệnh, chồng bà Hảo - ông Đạt đã nghe theo lời quảng cáo của một người có tiếng trên mạng xã hội để mua thực phẩm chức năng (TPCN) xương khớp về cho vợ uống. Sau 3 ngày liên tiếp uống thực phẩm chức năng của chồng mua, bà Hảo gặp hàng loạt vấn đề về cơ thể như trào ngược dạ dày, thậm chí đau bụng trong thời gian dài, buộc phải ngừng sử dụng sản phẩm.

"Chồng tôi biết tôi bị đau xương khớp nên cứ nghe ai mách ở đâu có gì tốt là mua cho tôi, thấy cô H.H quảng cáo sản phẩm xương khớp chữa khỏi cho nhiều người. Ông bỏ ra 2 - 3 triệu đồng giấu vợ mua (TPCN) cho vợ uống nhưng xương khớp thì không khỏi, còn đau thêm cả dạ dày.

Tôi tiếc tiền nên cố uống, ban đầu cũng không có cảm nhận gì nhưng càng uống lại càng đau dạ dày, gọi lại cho chỗ bán thì họ không nghe máy nữa, cũng không trả được vậy nên đành bỏ thuốc đi. Vừa bực vừa tiếc tiền mà cũng không biết làm sao vì trót dại mua rồi", bà Hảo cho hay.

Bà Hảo đang chia sẻ với PV về những vấn đề khi sử dụng thực phẩm chức năng. Ảnh: Thùy Dương

Điều trị nội trú tại bệnh viện K Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), bà Hoàng Thị Nga (Nga Sơn, Thanh Hóa) cho biết, nghe mách nước của nhiều người, trong quá trình điều trị cũng đã mua nhiều loại TPCN dạng viên nang và nước để uống bổ trợ, tuy nhiên các sản phẩm này đều không mang lại kết quả như kỳ vọng.

"Bị bệnh thì vái tứ phương, tôi nghe các cô bán thuốc ở ngoài cổng viện rồi người bệnh cùng điều trị chia sẻ nhiều cách để đỡ đau đớn, mệt người cũng mua đủ loại TPCN uống khi thì viên nang lúc thì ống nước nhưng uống cũng không thấy đỡ gì chỉ thấy tốn tiền.

Gần đây nghe báo đài nói về các loại TPCN giả bán khắp nơi thực sự rất lo, người bệnh nhưng chúng tôi chỉ biết tin bác sĩ, nhà thuốc mà giờ TPCN kém chất lượng cũng có giấy tờ đầy đủ, người dân cũng không biết phân biệt như nào", bà Nga lo lắng.

Thực tế hiện nay, để sản xuất ra 1 loại thực phẩm chức năng rồi đưa ra thị trường là không khó. Giới thiệu là người có nhu cầu sản xuất thực phẩm chức năng để bán kèm trong phòng khám đông y của gia đình, phóng viên (PV) liên hệ đến một địa chỉ chuyên nhân gia công TPCN tại Hà Đông, Hà Nội.

Tiếp PV, một nhân viên của cửa hàng tên Đặng Vân cho biết, chỉ cần đưa ra yêu cầu hợp lý và đồng ý sản xuất 150.000 viên TPCN một lần, đơn vị này sẵn sàng nhận đơn gia công sản xuất sản phẩm cho chúng tôi với giá hợp lý nhất thị trường, thậm chí nhận luôn cả dịch vụ công bố sản phẩm.

"Bên em sản xuất các sản phẩm này đã lâu năm rồi, chị chỉ cần cho em yêu cầu, ví dụ như sản xuất thực phẩm chức năng mát gan từ thảo dược như bồ công anh hoặc cà gai leo, chúng em sẽ lên công thức và sản xuất cho mình. Yêu cầu của bên em là phải sản xuất 150.000 viên/đơn hàng.

Nếu thiện chí, chúng em sẽ giúp bên chị làm hồ sơ công bố luôn, giá không quá 15 triệu đồng/bộ. Nếu chị muốn hỗ trợ về hình ảnh sản xuất sản phẩm bọn em cũng có thể tạo điều kiện cho chị đến quay, coi như nhà máy của chị luôn, nguyên liệu, bao bì của bọn em hết", Đặng Vân, nhân viên tư vấn của công ty gia công TPCN thông tin.

Công bố dễ dàng, hậu kiểm lỏng lẻo

Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam đang phát triển rầm rộ. Theo quy định hiện hành, chỉ cần doanh nghiệp nộp hồ sơ công bố sản phẩm cùng một số giấy tờ hợp thức là đã có thể đưa TPCN ra thị trường. Việc kiểm nghiệm thành phần, hiệu quả hay mức độ an toàn hoàn toàn dựa trên sự tự khai báo của doanh nghiệp, thay vì đánh giá khoa học khách quan.

Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội. Ảnh: Tuấn Phong

Theo ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội trách nhiệm trực tiếp trong việc kiểm soát chất lượng TPCN thuộc về cơ quan chức năng.

"Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính đăng ký sản phẩm để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, với số lượng lớn sản phẩm tung ra thị trường mỗi năm thì bao giờ mới có thể hậu kiểm xong. Nếu công tác hậu kiểm không được thực hiện nghiêm sẽ tạo ra cơ hội để hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường" - ông Vũ Vinh Phú đánh giá.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17.4.2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, Sở ATTP TP HCM, Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng, Chi cục ATTP các tỉnh thành phố khẩn trương thực hiện loạt biện pháp để kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng.

Tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố theo hướng dẫn tại công văn số 2792/ATTP-SP của Cục ATTP; Chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm và triển khai hậu kiểm theo công văn số 2792/ATTP-SP, 730/ATTP-PCCTr và 296/ATTP-PCCTr của Cục ATTP.

Bên cạnh đó chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường tuyên truyền để hướng dẫn người dân tránh mua phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố.

Trong đó nhấn mạnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Theo Báo Lao Động

'Ông lớn' cung cấp trái cây Trung Quốc bị điều tra, Bộ Công Thương nêu khuyến cáo với doanh nghiệp Việt

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động rà soát các hợp đồng, giao dịch và lô hàng có liên quan đến Công ty hữu hạn cổ phần sản phẩm trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị điều tra, nhằm đề phòng rủi ro về tài chính, thanh toán...

Siết chặt kỷ cương, xóa bỏ lãng phí hướng tới một nền hành chính liêm chính và hiệu quả

Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035 được thực hiện theo hai giai đoạn, với mục tiêu xuyên suốt là ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng sử dụng lãng phí nguồn lực, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ đặt kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử và đứng thứ 3 trong ASEAN về phát triển kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường với sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Video