Xác lập vị trí, chỗ đứng mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng Nghị quyết 68 là bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Phạm Đông |
Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4.5.2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Có thể thấy, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như vậy khi lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Trao đổi với Lao Động chiều 6.5 bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) khẳng định, Nghị quyết 68 đánh dấu bước ngoặt rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Quan điểm của Đảng ta đã xác lập một vị trí, chỗ đứng mới cho kinh tế tư nhân.
Theo đại biểu Quốc hội, trước đây, nước ta chưa coi trọng đúng mức vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển chung của đất nước, thậm chí có thời gian dài chỉ coi trọng kinh tế tập thể. Khi đó, những người phát triển kinh tế tư nhân thậm chí còn bị coi đi ngược lại với xu hướng chung, không được coi trọng.
Bởi vậy, với quan điểm chỉ đạo mới của Đảng hiện nay thì kinh tế tư nhân được đặt ở một vị trí, vai trò rất quan trọng. Đây là khu vực kinh tế có đóng góp rất nhiều, năng động, có thể tiếp cận nhanh với mọi thay đổi, dễ dàng ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển.
Hơn nữa, kinh tế tư nhân hiện nay sử dụng đến hơn 80% lao động, đóng góp rất lớn trong lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua các chế độ, chính sách dành cho kinh tế tư nhân cũng chưa nhiều và chưa có những ưu đãi đột phá để phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Một nghịch lý được đại biểu chỉ ra khi kinh tế tư nhân sử dụng đến hơn 80% lao động nhưng mức đóng góp 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đây là con số vẫn rất khiêm tốn, điều này chứng minh cho việc kinh tế tư nhân rất cần sự quan tâm mới cả về cơ chế, chính sách đến những hỗ trợ khác để có sự bứt phá.
Nữ đại biểu cũng đề cập đến việc không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự; không dùng biện pháp hành chính để can thiệp, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế.
Theo đại biểu, đây là những nhìn nhận rất cởi mở và đúng mực với các quan hệ kinh tế. Khi chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng sẽ tạo được tâm lý thoải mái, khuyến khích sự dám nghĩ, dám làm trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân.
![]() |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - đoàn ĐBQH TPHCM. Ảnh: Phạm Đông |
Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nhấn mạnh, chúng ta cần sớm thể chế hóa Nghị quyết 68, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận mọi nguồn lực của quốc gia một cách thuận lợi nhất với nhiều ưu đãi nhất.
Cần phải có cơ chế, thể chế để luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm giúp khu vực kinh tế tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần này phải phản ánh được, thể chế hoá được những tư duy của Đảng vào trong Luật.
Từ đó, khu vực kinh tế tư nhân mới có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động khoa học và mới có thể phát triển nhanh, trở thành các tập đoàn kinh tế lớn ngang tầm các tập đoàn kinh tế trên thế giới.
Có như vậy mới có thể hiện thực hóa được Nghị quyết 68, biến khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của đất nước vào năm 2030.