Đóng thêm tàu, mở thêm tuyến, SKG "ăn nên làm ra" tại "mỏ vàng" Phú Quốc
SKG đã quyết định chi 100 tỷ đồng mở thêm tuyến mới nối Côn Đảo - Sóc Trăng, qua đó nâng số tuyến khai thác lên 3 tuyến Hà Tiên -Phú Quốc, Rạch Giá -Phú Quốc và Côn Đảo-Sóc Trăng. Chỉ trong vòng 2 năm, SKG đã đề xuất/ hoàn tất đưa vào sử dụng 4 tàu mới.
HĐQT CTCP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang (mã SKG-HoSE) vừa quyết định mở thêm tuyến mới Côn Đảo - Sóc Trăng. Theo đó, dự án này sẽ được SKG đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, sử dụng vốn tự có của công ty.
Dự án Tàu Cao tốc vận chuyển hành khách và mảng hàng hóa tuyến Côn Đảo - Sóc Trăng sẽ có thời gian thực hiện là 50 năm. SKG dự kiến khai thác ngay trong năm 2017. Phương tiện vận tải được sử dụng là tàu cao tốc HSC1 theo quy định về phân cấp tàu.
Trong năm vừa qua, SKG đã lên kế hoạch đầu tư thêm hai tàu mới, bao gồm Superdong XI (quý I/2016) và Superdong XII (quý II/2016). Đầu tháng 3/2016, SKG đã lên kế hoạch đóng tàu cao tốc Superdong XII với tổng giá trị đầu tư 1,5 triệu USD. Khi Superdong XII đi vào hoạt động, số tàu đóng mới của SKG đã tăng gấp rưỡi trong vỏn vẹn 2 năm. Phần lớn các hoạt động đầu tư đều được thực hiện bằng nguồn vốn tự có mà không phải vốn vay.
Khi tuyến đường này đi vào hoạt động, SKG sẽ nâng số tuyến đường thủy khai thác lên 3 tuyến gồm: Hà Tiên -Phú Quốc, Rạch Giá -Phú Quốc và Côn Đảo-Sóc Trăng. Ra đời 2007 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 9,6 tỉ đồng nhưng đến nay, vốn điều lệ của công ty đã tăng hơn 35 lần lên 342 tỷ đồng.
Ghi nhận trong quý II/2016, doanh thu thuần của SKG tăng 12% so với cùng kỳ 2015, đạt 102,4 tỷ đồng. Lãi ròng cũng tăng hơn 20% lên 65 tỷ đồng. Cùng với sự tăng trưởng đều đặn của doanh thu, biên lãi gộp của SKG vẫn duy trì ở mức "đáng ngưỡng mộ" với tỷ lệ hơn 70%. Đây cũng là lý do chính khiến EPS của doanh nghiệp này luôn nằm trong Top dù rất hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Nợ phải trả chỉ chiếm khoảng 2,24% trong cơ cấu vốn của SKG.
Huyện đảo Phú Quốc đang ngày càng trở thành khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Cùng với các "đại gia" địa ốc, mới đây Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng đang mở rộng hoạt động trong lĩnh vực này. Từ đầu năm đến nay, Bảo Việt đã liên tục đầu tư vào Phú Quốc với 264 tỷ đồng "rót" vào Trung Nam Phú Quốc và mới đây là việc thành lập 2 công ty bảo hiểm ở huyện đảo này. Phú Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành đặc khu kinh tế-hành chính vào năm 2020 theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang.
Theo NDH