Doanh nghiệp muốn giảm lãi suất, tăng hỗ trợ quản trị

TP.HCM: 9 tháng giải ngân 180.000 tỷ
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết: Ngành ngân hàng đang đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối với mục tiêu tổng dư nợ tín dụng lên đến 250.000 tỷ đồng cho chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng nên các tổ chức tín dụng lớn, dư thừa tiền sẽ tham gia mạnh vào chương trình này.
Chương trình kết nối NH-DN trên địa bàn TPHCM đã hỗ trợ cho vay gần 26.000 khách hàng với tổng số tiền giải ngân của chương trình đạt hơn 405.000 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, số tiền giải ngân đạt gần 180.000 tỷ đồng, chiếm 44% so với tổng số tiền đã giải ngân trong 4 năm qua. Với ý nghĩa của chương trình, đặc biệt là ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ cho DN, chương trình này đã hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho hàng chục ngàn DN tại TP.HCM. Điều này giúp duy trì, ổn định, phục hồi và tăng trưởng, trở hành mô hình điểm được triển khai rộng khắp trên cả nước. Nguồn vốn của chương trình này chủ yếu dành cho sản xuất - kinh doanh, lãi suất trong khoảng 7% - 8%/năm.
Trong bối cảnh nhu cầu vốn của DN còn cao, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại, mặt bằng lãi suất cho vay trung - dài hạn cần được điều chỉnh giảm thêm.Một số DN vẫn kiến nghị cần phải hạ lãi suất trung và dài hạn đối với những những đơn vị không thể tiếp cận nguồn vốn của chương trình.
“Các ngân hàng cần chủ động chia sẻ khó khăn với DN để tìm ra giải pháp tốt nhất. DN cần nguồn vốn dài hạn hơn là ngắn hạn, vì vậy ngân hàng cần xem xét lại chính sách lãi suất trung - dài hạn để hỗ trợ hơn cho DN”, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho hay.
Trong thực tế, mức độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm, chỉ ở mức chưa đến 12% so với chỉ tiêu đặt ra trong năm 2016 là 18% - 20%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra, các ngân hàng đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ vốn, cho vay bình ổn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong mảng lương thực, thực phẩm thiết yếu...với lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,15% - 6,5%/năm tùy từng mặt hàng.
Các ngân hàng cũng tham gia chuỗi cung ứng, nhằm khuyến khích các DN tăng cường đổi mới công nghệ và phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu là khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có các sản phẩm chất lượng cao, an toàn với sức khỏe, giá cả cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài, tiết kiệm chi phí vận chuyển, cũng như tạo sự liên kết với các vùng nguyên liệu giá rẻ, kết nối cung - cầu...
NHNN hiện vẫn tiếp tục hối thúc các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh cho vay, chủ động tìm kiếm khách hàng - DN tốt để cấp vốn, nới điều kiện về tài sản bảo đảm. Có lẽ do áp lực tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đang phải chạy đua để "vợt" được khách hàng tốt trong thị trường cạnh tranh gay gắt.
Doanh nghiệp cần nhà băng giúp quản trị tài chính
Theo các chuyên gia, giải pháp giảm lãi suất, hỗ trợ điều kiện vay vốn, sử dụng dịch vụ khác…là cách để vốn ngân hàng tiếp cận được DN, đẩy tín dụng ra. Vì ngân hàng không thể cứ loay hoay với cảnh "thừa vốn, thiếu người vay", mà tín dụng tăng thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận, hỗ trợ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu.
Ông Vũ Nhật Lâm, Phó tổng giám đốc OceanBank, cho biết nhiều ngân hàng tung ra những gói tín dụng vài nghìn tỷ, lãi suất "siêu rẻ" nhưng quan trọng là các DN có hấp thụ được lượng vốn rẻ hay không?Bởi, theo ông, lãi suất là yếu tố cần nhưng chưa đủ để DN hấp thụ được vốn rẻ, mà cần có sự nỗ lực của cả ngân hàng và DN. Trong đó, DN phải thuyết phục được ngân hàng về phương án kinh doanh khả thi, sử dụng vốn hiệu quả, có lời và thời gian quay vòng vốn nhanh. Còn ngân hàng sẽ cải thiện thủ tục, quy trình cấp tín dụng, nhất là rút ngắn thời gian duyệt vay và minh bạch chính sách, cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng…
Theo ông Lâm, ngân hàng không chỉ chăm chú cho vay, thu lãi về mà còn cần xây dựng cơ chế và giải pháp tài chính đồng bộ nhằm hỗ trợ quản lý tài chính hiệu quả cho DN, cũng chính là bảo đảm an toàn cho đồng vốn của mình.
Theo nhận xét của đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay giảm mạnh đã hỗ trợ DN giảm bớt chi phí tài chính, kích thích nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, áp lực phải "khống chế" nợ xấu mới gia tăng và xử lý nợ cũ khiến ngân hàng luôn dè chừng, siết chặt cho vay đối với DN. Do đó, cân nhắc chọn DN để cho vay, hạn mức cho vay, lãi suất, tài sản bảo đảm…là yếu tố quan trọng nhất.
Ông Đinh Thảo, Giám đốc Công ty Nhựa Hải Thảo (Tp.HCM), cho rằng điều doanh nghiệp cần nhất khi vay vốn là sự thuận tiện, dễ dàng tiếp cận và minh bạch chính sách. Ngân hàng hiện nay đã rút ngắn khoảng cách về ưu đãi, hỗ trợ đối với DN lớn và nhỏ, nhưng các doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tư vấn và hỗ trợ DN sâu hơn trong việc quản trị tài chính.
Trên thực tế, trong nỗ lực đẩy mạnh tín dụng và chất lượng tín dụng, bảo toàn vốn vay, một số ngân hàng đã phối hợp với DN để tìm đầu ra cho sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính…Đây chính là hướng đi hết sức quan trọng không chỉ đối với người cho vay mà còn với cả người đi vay. Các ngân hàng cần sẵn sàng cùng doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới công nghệ,đổi mới mô hình hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, cùng tháo gỡ khó khăn cho DN…Và khi DN đã "khỏe", hoạt động lành mạnh, hiệu quả thì các ngân hàng đương nhiên được thu gặt trái ngọt.
Quang Trung