ĐHĐCĐ Lafooco : Mục tiêu nâng tỷ trọng mặt hàng chế biến sâu lên 50% doanh số
Sáng ngày 08/04, Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco - HOSE: LAF) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 để thông qua toàn bộ các nội dung được Hội đồng quản trị đề xuất.
Theo báo cáo của Ban điều hành về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016, LAF đạt mức doanh thu thuần 876 tỷ đồng, tương đương thực hiện trong năm 2015 nhưng chỉ hoàn thành 80,7% kế hoạch đã đặt ra trong năm.
Ông Nguyễn Duy Tuân, Tổng giám đốc cho biết, do giá điều nguyên liệu trong năm 2016 đã tăng 30-40% so với năm trước nên ban điều hành quyết định hạn chế mua nguyên vật liệu để giảm thiểu rủi ro. Sản lượng thu mua nguyên liệu chỉ bằng 66,7% so với kế hoạch đã khiến doanh số của LAF giảm tương ứng.
Dù vậy, ông Tuân cho biết, trong năm 2016, Công ty đã chuyển đổi thành công công nghệ Chao điều sang hấp hơi nước, giảm đáng kể chi phí sử dụng nước thải hàng tháng. Bên cạnh đó, với việc trang bị thêm máy móc phụ trợ đã giúp tỷ lệ cắt vít lại từ 5-6% xuống còn 1-3%; ngoài ra, việc đầu tư máy phân loại màu đã giúp giảm chi phí nhân công đáng kể….
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của LAF trong năm 2016 đã tăng 7,1% so với thực hiện năm 2015, đạt 25 tỷ đồng và hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận được Đại hội đồng cổ đông thông qua năm 2016.
Kế hoạch lợi nhuận tăng nhẹ, 2018 sẽ hết lỗ lũy kế
Theo ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch HĐQT cho biết kết quả thực hiện trong năm 2016 cho thấy Lafooco đang đi đúng theo kế hoạch phát triển mà HĐQT và Đại hội đồng cổ đông đề ra. Trong năm, nguồn vốn tự có của LAF đã tăng lên đáng kể, giúp giảm chi phí vay và đồng thời, sự tín nhiệm của các tổ chức tài chính đối với Lafooco cũng tăng lên, tạo sự thuận lợi hơn cho Lafooco trong năm 2017.
Định hướng trong năm 2017, HĐQT Lafooco tiếp tục đặt mục tiêu khắc phục số lỗ lũy kế phát sinh từ năm 2012, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn toàn hết lỗ lũy kế; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý; hoàn thiện công nghệ, kỹ thuật và xây dựng kế hoạch tài chính tối ưu; nâng cao uy tín, thương hiệu Lafooco…
Còn theo ông Nguyễn Duy Tuân, ngoài việc duy trì thị trường và khách hàng truyền thống, có uy tín, Lafooco sẽ chọn lựa thêm phân khúc thị trường khó tính, chất lượng cao như Organic, Fair Trade,.. Đồng thời có chính sách bán hàng riêng cho các khách hàng uy tín, nhận hàng đúng hạn, sản lượng mua lớn, ổn định; Đối với các nhà cung cấp, Lafooco sẽ tập trung rà soát lại các mối quan hệ với các nhà cung cấp nhân điều, đảm bảo nguồn nguyên liệu được giao đúng hẹn và đúng chất lượng.
Đối với mặt hàng giá trị gia tăng, ngoài việc phát triển thị trường xuất khẩu, Công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị chi xưởng hàng giá trị gia tăng, đảm bảo tăng công suất chế biến theo nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Kế hoạch đầu tư, mua sắm sửa chữa máy móc thiết bị trong năm 2017, Lafooco dự kiến đầu tư 17,5 tỷ đồng cho nhà xưởng mới và 3,3 tỷ đồng cho nhà xưởng hiện hữu.
Theo đó, trong năm 2017, HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng, tăng 2,77% so với thực hiện trong năm 2016 và 27 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 3,5% so với kết quả thực hiện trong năm 2016.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2016, do Công ty vẫn còn 45 tỷ đồng lỗ lũy kế nên HĐQT trình cổ đông không chia cổ tức. Về cổ tức năm 2017, dựa vào tình hình sản xuất kinh doanh trong năm, HĐQT sẽ trình cổ đông trong kỳ họp năm 2018.
Về mặt nhân sự, HĐQT trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của ông Phan Ngọc Sơn và bầu bổ nhiệm ông Nguyễn Duy Tuân, Tổng Giám đốc Công ty làm Thành viên HĐQT kể từ ngày 01/04/2017.
Mục tiêu đưa hàng chế biến sâu lên 50% doanh số
Một số cổ đông và đối tác ngân hàng đánh giá cao về quá trình tái cơ cấu của Lafooco trong những năm gần đây. Dù vậy, cổ đông lớn yêu cầu HĐQT chia sẻ nhiều hơn về kế hoạch kinh doanh giai đoạn tiếp theo. Cụ thể là cơ cấu sản phẩm và thị trường đầu ra của Lafooco hiện nay ?
Ông Nguyễn Văn Khải cho biết, doanh thu của Lafooco đến từ 3 sản phẩm chính: gồm chế biến hàng giá trị gia tăng, cung cấp hạt điều nhân và mua lại nhân điều về chế biến theo tiêu chuẩn của Lafooco.
Trong đó, mặt hàng giá trị gia tăng là mặt hàng có biên lợi nhuận cao nhất, sản phẩm này được triển khai từ năm 2014. Trong năm 2016, doanh thu của mặt hàng này chiếm 15% tổng doanh thu. Kế hoạch năm 2017 sẽ đạt mức 26%.
“Mục tiêu của Lafooco là đưa mặt hàng này chiếm 50% tổng doanh số", ông Khải cho biết.
Về cơ cấu thị trường, ông Khải cho biết Lafocoo đang xuất khẩu hạt điều đang châu Âu và Mỹ khoảng 32%, châu Âu khoảng 40%, còn khoảng 25% còn lại là xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông…
Về rủi ro của ngành mà Lafooco đang đối mặt, ông Khải cho biết, năm 2012, Lafooco lỗ lớn là do Công ty đã dự trữ quá lớn trong khi cần nhiều nhân công để chế biến do đó khả năng giải phóng hàng tồn kho kém. Nhưng đến hôm nay ngành điều đã thay đổi quá nhiều, năng suất chế biến tăng rất mạnh, rủi ro này theo đó đã hạn chế.
Hiện nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 30-35% nhu cầu; trong khi đó công suất chế biến ngày càng được cải tiến và nhu cầu chế biến ngày càng tăng cao khiến rủi ro thiếu hụt nguyên liệu tăng lên.
Ông Tuân bổ sung thêm rằng, Lafooco hiện nay không còn là đơn bị kinh doanh điều rủi ro như trước. Công ty không có chính sách đầu cơ tăng giá mà thực hiện công tác dự phòng, cân đối nguồn hàng hợp lý để hạn chế tối đa diễn biến bất lợi của giá đầu vào.
Cổ đông thắc mắc vì sao Lafooco không mở rộng hợp tác, mở rộng vùng nguyên liệu?
Ông Khải cho biết hiện Lafooco đã thành lập ban hợp tác với nông dân làm vùng nguyên liệu. Dù vậy, để tạo được sự liên kết với nông dân không phải đơn giản mà cần phải tạo ra sự khác biệt. Lafooco sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân về máy móc thiết bị, giống… giúp nông dân tăng năng suất và thu mua với giá cả 'thuận mua thuận bán', hợp tác theo mô hình Fair Trade.
Theo Huy Nguyên - NDH