VPBank phát hành thêm 8.200 chứng chỉ tiền gửi, thu lãi và nợ xấu lớn từ FE Credit
Tỷ lệ nợ xấu sau quý I đã chính thức vượt mức 3%, xấp xỉ 3,5%. Nguyên nhân chủ yếu do nợ xấu tại FE Credit đã lên tới 5,63%. Nhưng đây lại là con gà đẻ trứng vàng tạo lợi nhuận của VPBank.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBanl) vừa công bố mới đây, số lượng tiền gửi huy động khách hàng của nhà băng này tăng mạnh trong quý I vừa qua nhưng phần lớn là nhờ tăng trưởng khoản tiền huy động từ phát hành giấy tờ có giá.
Cụ thể, huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt mức 186 nghìn tỷ đồng, tăng 14 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 8% so với thời điểm 31/12/2016.
Tuy nhiên, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 5.700 tỷ đồng. Cơ cấu tiền gửi khách hàng cũng chuyển dịch sang tiền gửi có kỳ hạn nhiều hơn. Trong khi đó, đáng chú ý, huy động chứng chỉ tiền gửi từ VPBank tăng tới 8.255 tỷ đồng trong đó tập trung ở nhóm khách hàng cá nhân và kỳ hạn từ 12 tháng đến 5 năm. Huy động vốn qua trái phiếu cũng tăng nhẹ 3 tỷ đồng. Đây là con số tính đến riêng quý I/2017.
Theo biểu lãi suất áp dụng tại VPBank từ ngày 24/3/2017, ngân hàng này đã đưa ra mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi 8,9%/năm áp dụng cho số tiền trên 5 tỷ và kỳ hạn 5 năm trả lãi cuối kỳ. Chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn thấp nhất 18 tháng trả lãi hàng tháng cũng được chi trả ở mức 7,13%, ở mức cao so với mặt bằng chung lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng (6,4-7,2%).
[caption id="attachment_55878" align="aligncenter" width="503"]
Cùng với tăng trưởng vốn huy động cao chóng mặt, tăng trưởng tín dụng của VPBank cũng đạt 5,5% đối với riêng cho vay khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu sau quý I đã chính thức vượt mức 3%, xấp xỉ 3,5%. Nguyên nhân chủ yếu do nợ xấu tại FE Credit đã lên tới 5,63%. Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ VPBank cũng đang ở mức khá cao - 2,86%.
Nhưng FE Credit lại là con gà đẻ trứng tạo lợi nhuận chính cho VPBank. Báo cáo riêng của VPBank cho thấy nhà băng này thu về 2.179 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 39% cùng kỳ. Các khoản thu từ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán cũng đều tăng mạnh. Tuy nhiên, lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng chỉ tăng 17,6%. Nhờ giảm trích lập dự phòng, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng mẹ VPBank đạt 654 tỷ đồng, tăng 77% cùng kỳ.
Sau khi hợp nhất hai công ty con gồm VPBank AMC (115 tỷ đồng) và Công ty tài chính Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - FE Credit (2.790 tỷ đồng), lợi nhuận của VPBank đạt 1.520 tỷ đồng, gấp 2,3 lần lợi nhuận riêng ngân hàng mẹ và ghi nhận quý có kết quả kinh doanh cao nhất từ trước đến nay. Tổng lượng nhân sự của ba tổ chức tài chính này là 20.041 người, tăng 15% so với đầu năm,trong đó nhân sự ngân hàng mẹ chỉ khoảng 9.100 người.
Quý III/2016, nhà băng này cũng mới chớm vượt tỷ lệ nợ xấu trên 3% nhưng đã hạ nhiệt vào quý IV. Con số nợ xấu đã tăng nhanh, kéo theo tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng một lần nữa trở lại vượt mức quy định 3% khá cao lên tới 3,5%.
Thừa nhận VPBank đang tham gia phân khúc nhiều rủi ro là nguyên nhân giúp doanh thu tăng cao, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 tổ chức cuối tháng 3/2017, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết ban lãnh đạo của VPBank nhận thức được điều này. VPBank đã xây dựng nền tảng quản lý để các rủi ro được phát hiện, nhận biết và có biện pháp để hạn chế, ông Vinh cho hay.
Theo Thanh Thủy - NDH