Vinatex dẫn đầu làn sóng dệt may xuất khẩu Việt Nam
Các công ty may mặc Việt Nam đang nhanh chóng mở rộng mảng kinh doanh xuất khẩu và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang là người đi tiên phong trong việc tận dụng chính sách thương mại cũng như các mối quan hệ đối tác với nước ngoài.
Vinatex hiện đang thuộc sở hữu của nhà nước. Công ty này đã đổ gần 30 triệu USD để xây dựng một nhà máy vải ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Nhà máy này đi vào hoạt động năm 2014 với hơn 100 khung dệt của Bỉ và việc nhuộm vải được tiến hành tại chỗ.
Đây được coi là cơ sở sản xuất chiến lược của Vinatex và đang là nguồn cung nguyên liệu cho một nhà máy dệt may thuộc tập đoàn Vinatex ở vùng lân cận. Hàng năm, nhà máy may với 2.000 nhân công sản xuất khoảng 5 triệu sản phẩm quần áo, trong đó có cả quần chinos và quần jeans. 90% sản phẩm của được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Tại Mỹ, những sản phẩm của Vinatex được bày bán tại các cửa hàng bách hóa J.C. Penney, chuỗi cửa hàng Express và các kênh bán lẻ khác.
Giám đốc chi nhánh Nguyễn Thị Thu Trang cho biết nhà máy may tích hợp sản xuất của Vinatex có thể nhanh chóng trả hàng cho khách chỉ sau 25 ngày kể từ khi nhận đơn.
Nhà máy dệt chuẩn bị lắp thêm các khung dệt trong tháng này để tăng năng lực sản xuất lên gấp 2,5 lần, tức 1,7 triệu mét vải/tháng.
Tập đoàn Vinatex bao gồm hơn 80 công ty. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015 đạt 2,38 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tương đương hơn 10% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2015. Sức mạnh của Vinatex tới chủ yếu từ mảng may với năng suất 240 triệu sản phẩm/năm cùng mạng lưới tiêu thụ rộng khắp cả nước.
Các hoạt động sản xuất sơ cấp như sợi hay dệt vải kém nổi bật hơn tại Vinatex. Gần 60% nguyên liệu được Vinatex thu mua trong nước, phần còn lại nhập từ Trung Quốc và các nước khác. Do đó, tập đoàn may mặc của Việt Nam thường gặp khó trong việc phản ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xu thế thời trang cho dù đã có những nỗ lực cải thiện mảng hoạt động này.
Việc xây dựng nhà máy sợi ở phía bắc tỉnh Nam Định là một trong những giải pháp Vinatex đã thực hiện để giải quyết vấn đề. Trong lễ khánh thành hồi tháng 7, Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường cho biết đây là cơ sở sản xuất đầu tiên ở phía Bắc và đóng góp vai trò quan trọng đối với công ty. Cơ sở mới có sức sản xuất khoảng 240 tấn sợi/tháng.
[caption id="attachment_36214" align="aligncenter" width="580"]
Trong giai đoạn 2015-2017, Vinatex dự kiến sử dụng 70% vốn giải ngân (3.800 tỷ VNĐ) vào cơ sở vật chất sản xuất sợi và dệt, trong đó bao gồm cả nhà máy ở Nam Định.
Thương mại tự do
Hướng phát triển của Vinatex là phù hợp với chiến lược thúc đẩy xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do giữa chính phủ Việt Nam và các quốc gia khác. Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa rõ ràng nhưng Việt Nam đang nằm trong một loạt các thỏa thuận khác với Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Ban giám đốc của Vinatex đã cùng chính phủ thảo luận về việc điều chỉnh chiến lược thương mại.
Sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường dệt may toàn cầu đang gặp sự thách thức từ Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, Bangladesh đang nhanh chóng mất đà bởi họ không còn lợi thế về chi phí lao động – nhân tố quan trọng của các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may. Lương của các công nhân tại thủ đô Dhaka đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm qua.
Các nhà sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đang hưởng lợi từ chính sách thương mại của chính phủ. Một khi TPP và thỏa thuận với EU được đưa vào áp dụng, mức thuế 9-18% hàng dệt may Việt Nam đang nhận hiện nay sẽ được xóa bỏ.
Ngược lại, Vinatex sẽ gặp khó khăn hơn ở thị trường nội địa bởi khi đó hàng hóa Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc cũng được hưởng lợi tương tự từ các thỏa thuận thương mại. So với các đối thủ quốc tế, Vinatex có lợi thế về mạng lưới sản xuất trong nước nhưng chưa thể hiện được nhiều trên thị trường toàn cầu.
Do đó, Vinatex cần tận dụng mối quan hệ với công ty Itochu của Nhật Bản. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác hồi tháng 1/2015, qua đó công ty của Việt Nam sẽ làm việc với đối tác Nhật Bản để thu hút khách hàng ở Mỹ, châu Âu và ngay tại đất nước Mặt trời mọc.
Vinatex và Itochu đang tìm được thâm nhập thị trường Trung Quốc. Mới đây, họ đã giành được một đơn đặt hàng từ công ty thuộc sở hữu nhà nước Citic – một trong những công ty có cổ phần của Itochu.
Việt Nam đang tiến hành cải cách kinh tế, bao gồm việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy hợp tác kinh doanh với nước ngoài. Vinatex đang là lá cờ tiền phong trong quá trình này. Cho dù có thành công trên thị trường quốc tế hay không, Vinatex vẫn sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường Việt Nam.
Theo Nikkei