Vietcombank và VietinBank cấp thêm 1.400 tỷ cho Dự án Thượng Kon Tum của VSH
Nguồn vốn tín dụng lớn từ các ngân hàng liệu có thể giúp Dự án Thượng Kon Tum hoàn thành vào năm 2019 tới, sau 10 năm ròng rã như kỳ vọng đề ra?
Cuối tháng 3/2017, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cùng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV Bình Định, Ngân hàng Á Châu - ACB Bình Định, HDBank Hiệp Phú, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Vietinbank Bình Định đã ký kết sửa đổi, bổ sung thỏa thuận tài trợ dự án Thượng Kon Tum với Công ty cổ phần Thủy Điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (mã VSH-HoSE).
Trong đó, khoản cam kết cấp tín dụng của Vietcombank nâng từ 700 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Hạn mức tín dụng 900 tỷ đồng tăng thêm đến từ 5 chi nhánh Vietcombank. Cụ thể, bên cạnh sự tham gia của Vietcombank Kon Tum (tài trợ 460 tỷ đồng), Vietcombank Gia Lai (100 tỷ đồng) còn có Vietcombank Phú Yên (80 tỷđồng), Vietcombank Bình Định (160 tỷ đồng), Vietcombank Quy Nhơn (100 tỷ đồng).
VietinBank Bình Định - là đơn vị đầu mối của VietinBank cùng với VietinBank Kon Tum tài trợ thêm 500 tỷ đồng.
Cùng với phần cam kết cấp tín dụng bổ sung, VSH sẽ tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động dự kiến vào năm 2019. Sau khi đi vào hoạt động các ngân hàng dự kiến sẽ có được nguồn tiền gửi lớn từ doanh thu phát điện của đơn vị sau khi trả các khoản nợ đến hạn theo lịch trả nợ dự án.
Bên cạnh nguồn vốn vay, năm 2016 ghi nhận sự thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu cổ đông của VSH, đơn vị chủ đầu tư Dự án Thượng Kon Tum. Cổ đông lớn của doanh nghiệp thủy điện này là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC đã hoàn tất thoái vốn tại VSH. Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đã mua toàn bộ 19% cổ phần với số tiền bỏ ra khoảng 640 tỷ đồng. Sau đó, REE tiếp tục gom cổ phần và hiện đã nắm hơn 21% vốn và là cổ đông lớn thứ hai của VSH sau EVN Genco 3.
Dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum là bậc thang thủy điện thứ năm trên hệ thống Sông Sê San được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tháng 11/2006 do VSH làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy điện cấp I theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 285-2002 với công suất lắp máy 220 MW. Khi Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, sản lượng điện bình quân là 1.094 triệu KWh/năm.
Dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Thượng Kon Tum đã được tiến hành khởi công từ năm 2009. Tuy nhiên, do lựa chọn nhà thầu theo tiêu chí bỏ thầu giá thấp nhưng sau đó thi công thì liên tục tăng chi phí, VSH ngậm "trái đắng" khi dự án chậm tiến độ, vốn đầu tư đã phải đội lên. Tổng giá trị đầu tư ban đầu của Dự án lập năm 2009 là 5.744 tỷ đồng, năm 2015 điều chỉnh lên 7.408 tỷ đồng, tăng thêm so với năm 2009 là 1.664 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 3/2011, chủ đầu tư dự án là CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã VSH-HoSE) đã ký hợp đồng thi công đường hầm dẫn nước dài gần 16km bằng TBM thuộc Tuyến Năng lượng với Liên doanh nhà thầu Trung Quốc, gồm Viện Hoa Đông (Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc) và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18; thời gian thực hiện gói thầu là 42 tháng.
[caption id="attachment_53019" align="aligncenter" width="700"]
Sau gần 40 tháng, khối lượng thi công mới chỉ đạt 24,3%, riêng phần đào hầm dẫn nước bằng TBM mới chỉ đạt 15% khối lượng hợp đồng dù VSH đã nhiều lần chủ động đàm phán, hỗ trợ, khắc phục.
Theo Thanh Thủy - NDH