VCSC: NHNN có thể đã bán hơn 18 tỷ USD từ đầu năm

Trong đó, có khoảng 12 tỷ USD đã giao và đã đáo hạn tính từ đầu năm, dẫn đến khoảng 280 nghìn tỷ đồng đã được hút ra khỏi hệ thống ngân hàng.

VCSC: NHNN có thể đã bán hơn 18 tỷ USD từ đầu năm

Trong báo cáo thị trường mới phát hành, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết áp lực thanh khoản đẩy lãi suất liên ngân hàng lên mức cao nhất trong 10 năm.

Cụ thể, giai đoạn tháng 6 và nửa đầu tháng 7, lãi suất liên ngân hàng dao động quanh mức 1,0% (kỳ hạn 1 tuần) do thanh khoản trong hệ thống dồi dào. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu tăng vào nửa cuối tháng 7 và lên mức cao nhất trong 10 năm vào đầu tháng 9 với kỳ hạn 1 tuần quanh mức 6% (do thanh khoản hệ thống giảm mạnh).

Theo VCSC, thanh khoản hệ thống giảm mạnh do 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rút lượng lớn VND ra khỏi hệ thống thông qua phát hành tín phiếu. Kể từ tháng 6/2022, NHNN đã quay trở lại phát hành tín phiếu sau hơn 2 năm để hút thanh khoản dư thừa trong bối cảnh hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng chưa được gia tăng. Tính riêng trong tháng 6, NHNN đã hút ròng 103 nghìn tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh bán tín phiếu và mua kỳ hạn trên thị trường mở (bên cạnh khoảng 2,0 tỷ USD kỳ hạn 3 tháng đã bán cho các ngân hàng đáo hạn trong tháng 6).

Thứ hai, các ngân hàng thương mại mua lượng lớn USD từ NHNN. Đồng USD tăng mạnh và nhu cầu mua USD của các ngân hàng gia tăng đã khiến NHNN phải bán lượng lớn USD để hỗ trợ tỷ giá. VCSC ước tính NHNN có thể đã bán hơn 18 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại thông qua hợp đồng kỳ hạn và giao ngay. Trong đó, có khoảng 12 tỷ USD đã giao và đã đáo hạn tính từ đầu năm, dẫn đến khoảng 280 nghìn tỷ đồng đã được hút ra khỏi hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý, chỉ riêng trong nửa cuối tháng 8, các ngân hàng có thể đã mua trên 2,0 tỷ USD từ NHNN, trong khi có khoảng 2,0 tỷ USD hợp đồng kỳ hạn đáo hạn, dẫn đến khoảng 100 nghìn tỷ đồng đã được hút ra khỏi hệ thống.

Thứ ba, nhu cầu VND gia tăng trước kỳ nghỉ lễ dài (01-04/09) đã phần nào tạo thêm áp lực lên thanh khoản của hệ thống. 

Thứ tư, ngày 07/09/2022, NHNN thông báo đã cấp hạn mức tín dụng bổ sung dành cho cho các ngân hàng. Mặc dù VCSC ước tính NHNN chỉ cấp thêm khoảng 2% hạn mức tính dụng cho toàn hệ thống trong đợt này, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh sau quyết định của NHNN, với lãi suất các kỳ hạn qua đêm (ON) và 1 tuần đạt mức cao nhất 10 năm vào ngày 07/09.

Theo nhóm phân tích, áp lực lên thanh khoản giảm bớt sau một số biện pháp điều hành của NHNN. Bên cạnh việc NHNN linh hoạt bơm vốn thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), một số biện pháp điều hành khác khác của NHNN đã giúp giảm bớt áp lực lên thanh khoản của hệ thống.

Theo đó, ngày 07/09, NHNN tăng giá chào bán USD từ 23.400 đồng lên 23.700 đồng, đã tạm thời hạn chế nhu cầu mua USD từ các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, ngày 14/09, NHNN thông báo sẽ gia hạn một phần các hợp đồng kỳ hạn 3 tháng đã bán trong tháng 6 thêm 6 tháng, điều này sẽ giúp giảm bớt lượng VND dự kiến được rút trong tháng 9 thông qua hợp đồng USD kỳ hạn đáo hạn.

Sau các quyết định của NHNN, lãi suất liên ngân hàng giảm dần, xuống quanh 4% đối với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần.

Theo Quốc Thụy (Nhịp sống Thị trường)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video