Doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường trái phiếu

Doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu quay trở lại huy động vốn trên thị trường trái phiếu sau khi hoàn toàn vắng bóng trong quý I/2025.
Doanh nghiệp bất động sản đang trở lại tìm vốn bằng việc phát hành trái phiếu. Ảnh: Sơn Đình

Theo số liệu của FiinTrade, trong tháng 4.2025, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm phi ngân hàng đạt 13,9 nghìn tỉ đồng, tăng 152,7% so với tháng 3.2025 và tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng chú ý đó là sự trở lại của nhóm bất động sản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau 3 tháng đầu năm nay hoàn toàn vắng bóng. Trong tháng 4.2025, có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị phát hành 10.000 tỉ đồng.

Trong đó, có 2 đợt phát hành riêng lẻ của Vingroup với tổng giá trị phát hành 7.000 tỉ đồng và một đợt phát hành của Công ty Cổ phần Tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO với tổng giá trị phát hành 3.000 tỉ đồng. Trái phiếu riêng lẻ do Vingroup phát hành đang có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường (12%/năm).

Về giá trị đáo hạn trái phiếu, ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn với khoảng 5.900 tỉ đồng trái phiếu đến hạn trong tháng 6, tương đương 61,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường trong tháng. Con số này cũng tăng gấp đôi so với ước tính đáo hạn của ngành trong tháng 5. Một số tổ chức phát hành đáng chú ý có trái phiếu đáo hạn trong kỳ gồm: Saigon Glory (1.100 tỉ đồng), Signo Land (1.000 tỉ đồng), NLG (660 tỉ đồng).

Dù việc phát hành mới nhộn nhịp hơn song áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn rất lớn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản. Theo số liệu từ FiinTrade, trong quý II/2025, tổng giá trị lãi trái phiếu dự kiến đến hạn thanh toán của khối phi ngân hàng khoảng 16.200 tỉ đồng, trong đó tập trung vào tháng 6 với giá trị khoảng 7.300 tỉ đồng.

Áp lực trả lãi dự kiến cao hơn trong quý III/2025, khoảng 17.900 tỉ đồng, phần lớn ở ngành bất động sản, du lịch và giải trí, dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu.

Khối phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, tính đến hết tháng 4.2025, đã có hơn 90 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.

Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của hơn 90 doanh nghiệp này là khoảng hơn 200.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 16,5% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Theo nhận định của VNDIRECT, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2025 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhiều khả năng tín dụng có thể bắt đầu tăng tốc từ quý II/2025 cho đến hết năm, dẫn tới nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng trong các quý còn lại của năm 2025 sẽ tăng lên.

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với kỳ hạn dài như đã thực hiện trong năm 2024 không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng vốn huy động, mà còn giúp các ngân hàng tăng tỉ lệ nguồn vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo đủ tỉ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, nhiều khả năng bắt đầu từ quý II/2025 nhóm ngân hàng sẽ tích cực phát hành trái phiếu trở lại.

Theo Báo Lao Động

Thị trường chứng khoán đang định hình chu kỳ tăng giá mới?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2025 đầy biến động do tác động từ bất ổn vĩ mô thế giới, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng của Mỹ và xung đột địa chính trị. Tuy nhiên, thị trường đã hồi phục tích cực và vượt vùng 1.340 điểm khi các cải cách về thể chế để hỗ trợ nội lực nền kinh tế dần được thông qua.

Quỹ mở lên ngôi giữa chu kỳ phục hồi thị trường

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến chu kỳ hồi phục mạnh mẽ hiếm có trong vòng ba năm trở lại đây, khi VN-Index vượt lên mốc 1.457 điểm, áp sát vùng đỉnh thời kỳ Covid-19. Sức bật của thị trường đã giúp các quỹ mở ghi nhận hiệu suất vượt trội chỉ trong vòng 3 tháng qua.

Bỏ room tín dụng: Từng bước nghiên cứu, chờ thời điểm chín muồi

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN sớm bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng, thay vào đó cần theo cơ chế thị trường. Thực tế trong thời gian qua, NHNN đã đổi mới cơ chế điều hành, có lộ trình giảm dần và tiến tới bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Video