Tỷ giá VND/USD chịu áp lực từ yếu tố quốc tế

Tuần qua, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 34 đồng.
Tỷ giá VND/USD chịu áp lực từ yếu tố quốc tế - Ảnh 1.

Tuần qua, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 34 đồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong ngày giao dịch cuối tuần (8/9), tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.993 VND/USD.

Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.192 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.794 VND/USD.

Ở mức tham chiếu này, tại Vietcombank, giá đồng USD được niêm yết ở mức 23.870 - 24.240 VND/USD (mua vào - bán ra). Tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này không đổi.

Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 23.910 - 24.210 VND/USD (mua vào - bán ra). Cả tuần, đồng bạc xanh giảm 20 đồng ở chiều mua vào và bán ra.

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI duy trì quan điểm cho rằng biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ. Việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III.

Điểm tích cực là vị thế của Ngân hàng Nhà nước tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm cũng như nguồn cung ngoại tệ tích cực từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ hay cán cân thương mại ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 20,6 tỷ USD.

Về phía nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng MB (MBS) đánh giá, tỷ giá VND/USD tăng cao do chịu áp lực từ yếu tố quốc tế. Dự báo VND sẽ tiếp tục giảm giá so với USD và tỷ giá VND/USD có thể đạt lên mức 24.500 trong các tháng cuối năm, trước khi giảm nhẹ trở lại vào năm sau.

Trên thị trường thế giới, ông Sean Lusk, đồng Giám đốc Bộ phận Phòng ngừa rủi ro thương mại tại Walsh Trading nhận định, không có nhiều tín hiệu cho thấy đồng bạc xanh sẽ suy yếu trong ngắn hạn.

Tới đây, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc quyết định về lãi suất tại cuộc họp vào ngày 19 - 20/9. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đưa ra quyết định lãi suất vào ngày 14/9. Các thị trường hiện đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến từ hai nền kinh tế này.

Theo Diệp Anh (Báo tin tức)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video