Thị trường chứng khoán Việt Nam - Tăng nguồn cung hấp dẫn nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có gần 700 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên cả hai sàn và gần 600 loại trái phiếu niêm yết. Theo các chuyên gia, số lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường vẫn còn quá ít so với gần trăm ngàn công ty cổ phần đang hoạt động. Chính vì thế, việc tăng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là hàng chất lượng, sẽ hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư.

[caption id="attachment_12737" align="aligncenter" width="550"]Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh chiêng khai mạc phiên giao dịch chứng khoán HOSE đầu xuân. Ảnh: HUY ANH Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh chiêng khai mạc phiên giao dịch chứng khoán HOSE đầu xuân. Ảnh: HUY ANH[/caption]

Kỳ vọng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất mong chờ nguồn hàng mới đến từ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), cho biết trong năm 2015, HOSE đã đón nhận gần trăm cuộc IPO (đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng) của các tổng công ty, DNNN. Điển hình, tháng 12-2015 vừa qua, HOSE đã tổ chức IPO Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), một đơn vị lớn nhất của ngành giao thông, cũng là DNNN đang hoạt động có hiệu quả với tổng tài sản lớn. Đây là tổng công ty trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng hàng không đầu tiên và cũng là DNNN có khối lượng cổ phần IPO lớn nhất tại HOSE, nên thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả, toàn bộ hơn 77,8 triệu cổ phần đem ra đấu giá đều được bán hết với tổng giá trị thu về là hơn 1.116 tỷ đồng. Trong đó, hơn 80% lượng cổ phần được nhà đầu tư nước ngoài mua.

Theo ông Trần Đắc Sinh, thời gian tới thị trường sẽ đón nhận nhiều hàng hóa khác từ việc cổ phần hóa các DNNN hoạt động hiệu quả, như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng Công ty Bến Thành, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn… “Thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô vốn hóa còn khiêm tốn nhưng đang trong quá trình phát triển, việc có thêm nguồn cung tốt trong thời gian tới sẽ giúp cho thị trường có mức độ thanh khoản tốt hơn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư”, ông Sinh cho hay.

Lo ngại về chất lượng “hàng hóa”

Theo dự báo của các công ty chứng khoán, trong năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có sự gia tăng đáng kể số lượng DN niêm yết. Với số lượng DNNN phải cổ phần hóa trong giai  đoạn năm 2016 - 2020 là 500 DN, thì lượng cung cổ phiếu sẽ tăng nhiều. Với quy định đẩy nhanh quá trình niêm yết của các công ty trên sàn UPCOM (thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán), thị trường UPCOM trong thời gian tới cũng sẽ tăng quy mô. Cùng với đó, hoạt động thoái vốn nhà nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, bên cạnh việc phát hành tăng vốn của DN. Chính vì thế, các chuyên gia cũng cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng với chất lượng “hàng hóa” trên thị trường, đặc biệt là các DN niêm yết tăng vốn quá nhanh và mạnh.

Thực tế cũng cho thấy, các đợt IPO gần đây chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những nguyên nhân chính là do các DN mới chỉ bán phần nhỏ vốn nhà nước, nên vấn đề thay đổi về quản trị DN, sở hữu công ty cũng chưa rõ nét. Tuy vậy, nhận định về các DNNN tiến hành cổ phần hóa cũng như sẽ đưa “hàng hóa” lên sàn trong năm 2016, ông Trần Đắc Sinh kỳ vọng thị trường chứng khoán trong năm 2016 được bổ sung thêm một lượng cung khá lớn, đảm bảo tiêu chí về chất lượng để các nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn.

Qua nhiều cuộc tìm hiểu và làm việc với các sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cho biết họ quan tâm về chính sách mở cửa, chính sách tự do hóa dòng tiền, vấn đề thay đổi quản trị công ty và minh bạch công ty. Theo HOSE, trong năm 2015 đã có 43 đoàn quốc tế đến HOSE để tìm hiểu về thị trường chứng khoán Việt Nam; trong đó có nhiều nhà đầu tư cá nhân của Thái Lan - vốn xem Việt Nam là thị trường tiềm năng không thể bỏ qua. Nhiều tập đoàn, DN Hàn Quốc cũng nhận định tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam rất sáng sủa so với các nước trong khu vực, nên họ rất quan tâm đến việc rót vốn vào lĩnh vực tài chính, tín dụng tại Việt Nam. Tại nhiều cuộc hội thảo tổ chức mới đây, nhiều DN và nhà đầu tư Hàn Quốc khẳng định sẽ quay trở lại thị trường này trong thời gian tới, nhất là khi Chính phủ Việt Nam vừa có quyết định nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100%. Cùng với đó, các nhà đầu tư của Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến việc trở thành các nhà đầu tư chiến lược của các DNNN trong lộ trình thoái vốn theo quy định của Chính phủ Việt Nam.

Theo SGGP

Tags:

Kỳ vọng gì trên thị trường chứng khoán tháng 5?

Giữa “vùng trũng” thông tin và áp lực vĩ mô, thị trường chứng khoán tháng 5 đặt kỳ vọng vào hệ thống KRX như một bước đệm cho sự minh bạch và ổn định dài hạn.

Video