Phương án tăng 3.240 tỉ đồng cho 3 cầu vượt sông Hồng cùng các dự án trọng điểm

Theo phương án điều chỉnh, Hà Nội tăng hơn 3.240 tỉ đồng đối với 39 dự án, trong đó có 3 dự án "siêu cầu" Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát.
Phối cảnh siêu cầu Tứ Liên qua sông Hồng nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Ảnh: Đơn vị thiết kế

Chiều 28.4, tại Hội nghị lần thứ 22, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã xem xét Tờ trình của Đảng ủy UBND thành phố về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp thành phố.

Theo báo cáo của Đảng ủy UBND thành phố, năm 2025, Hà Nội được Trung ương giao kế hoạch vốn đầu tư công lên tới 87.130,263 tỉ đồng, gấp 1,13 lần so với năm 2024 và gấp 2,09 lần so với kế hoạch năm 2021.

Trước khối lượng công việc rất lớn, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành kế hoạch chi tiết tiến độ và giải ngân từng tháng; đồng thời liên tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ đối với các dự án.

Nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công, thành phố đã triển khai cơ chế phân luồng “làn xanh” và yêu cầu xử lý trong vòng 24 giờ đối với 10 dự án trọng điểm.

Tuy nhiên, đến ngày 20.4, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 11,8%, thấp hơn so với yêu cầu đề ra.

Để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn và chủ động nguồn lực cho các dự án trọng điểm cũng như công tác giải phóng mặt bằng, UBND thành phố đã đề xuất trình HĐND thành phố, tại kỳ họp ngày 29.4, phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Theo đó, UBND thành phố đề nghị: Giảm kế hoạch vốn đối với các dự án dự kiến không giải ngân hết kế hoạch năm 2025. Đồng thời tăng kế hoạch vốn cho các dự án mới, các dự án chuyển tiếp đã hoàn thiện thủ tục, có nhu cầu và khả năng giải ngân cao.

Hà Nội sẽ điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2025 thêm 2.192,051 tỉ đồng. Trong đó tăng vốn thanh quyết toán 200 tỉ đồng; 1.992,051 tỉ đồng cho 58 dự án có khả năng giải ngân tốt.

Đối với kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025, thành phố đề xuất điều chỉnh tăng 3.240,229 tỉ đồng cho 39 dự án cấp thành phố, bao gồm: Các dự án trọng điểm như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát, tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc); các dự án chuyển tiếp cần bổ sung vốn để triển khai tiếp tục và hoàn thành.

Đáng chú ý, thành phố sẽ phân bổ từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn 1.200 tỉ đồng để bố trí cho 2 dự án giao thông lớn: nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam theo quy hoạch và xây dựng đường Tam Trinh.

Bên cạnh đó, thành phố cũng điều chỉnh giảm 2.040,229 tỉ đồng đối với 21 dự án không còn nhu cầu hoặc giải ngân chậm trong kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Đảng ủy UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, phương án điều chỉnh nêu trên không làm tăng tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2025 và chưa sử dụng các giải pháp tài chính bổ sung như ứng trước Quỹ dự trữ tài chính hoặc dự toán ngân sách năm 2026.

Đây là nỗ lực chủ động, linh hoạt trong điều hành đầu tư công của thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đã đề ra.

Theo Báo Lao Động

TP.HCM: Hơn 1 tỷ USD được rót các khu công nghiệp

Trong năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư bao gồm cấp mới và điều chỉnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM đạt hơn 1 tỷ USD, gần gấp đôi so với kế hoạch đặt ra…

Động thổ dự án KĐT phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An, TP Huế

Ngày 10/8/2023, Công ty cổ phần tập đoàn IUC (IUC Group) thành viên của BGI Group đã tiến hành lễ động thổ Dự án KĐT phía Đông đường Thủy Dương – Thuận An, thuộc khu E – Khu đô thị mới An Vân Dương, TP Huế sau khi đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án.

The Minato Residence (tòa CT1) cất nóc vượt kế hoạch

Sáng ngày 30/5, Chủ đầu tư Công ty TNHH Minato Việt Nam (Doanh nghiệp FDI 100% Nhật Bản) đã tổ chức lễ cất nóc Dự án căn hộ Nhật Bản The Minato Residence (tòa CT1) tại công trường của dự án tại vùng lõi của khu đô thị Waterfront City, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng.

Video