Nhà nước sẽ thu hàng ngàn tỷ từ IPO những tổng công ty "con cưng" từ nay đến cuối năm

VEAM, Vigecam, PV Power, Mobiphone, Sông Đà, HUD, IDICO và VICEM là những tổng công ty "con cưng" dự kiến sẽ mang về hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước thông qua IPO từ nay đến cuối năm.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)

Phiên IPO của Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) ngày 29/8 được xem là đợt IPO lớn nhất năm 2016.

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vốn điều lệ VEAM sau cổ phần hóa lên tới 13.288 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 678 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược hơn 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn điều lệ; cổ phần đấu giá công khai là 167 triệu đơn vị, chiếm 12,57% vốn điều lệ.

Với giá khởi điểm IPO là 14.290 đồng, vốn hoá của VEAM và lượng cổ phiếu đấu giá có giá trị tương ứng là 19.000 tỷ đồng và gần 2.400 tỷ đồng.

Phiên IPO này hấp dẫn giới đầu tư bởi VEAM đang nắm cổ phần tại 3 liên doanh lắp ráp xe máy, ô tô lớn tại Việt Nam là Honda, Toyota và Ford.

Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam)

Mặc dù phiên IPO của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) đã bị tạm dừng ngay trước ngày đấu giá do "đề nghị của cơ quan chức năng", nhưng đây là một trong những doanh nghiệp IPO thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong tháng 7/2016.

Theo kế hoạch ban đầu, 6.350.580 cổ phần của Vigecam sẽ được chào bán với mức giá khởi điểm là 10.100 đồng/cổ phần, tương đương 28,87% vốn điều lệ. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Vigecam là 220 tỷ đồng. Đã có 21 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá với tổng số cổ phần chào mua cao gấp gần 3 lần số cổ phần chào bán.

Phiên IPO của Vigecam thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong thời gian qua bởi Vigecam đang quản lý và sử dụng nhiều lô đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. HCM.

Đặc biệt, theo phương án cổ phần hóa Vigecam đã phê duyệt, 2 cổ đông chiến lược của Vigecam là Tổng công ty Rau Quả, Nông sản - CTCP (Vegetexco) nắm 45% và CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNAinsurance) nắm 25%. Trong đó, Vegetexco được biết đến là doanh nghiệp IPO chưa lâu và có quan hệ mật thiết với Tập đoàn T&T.

Công ty Mẹ - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)

Theo Quyết định số 1759/QĐ-DKVN ngày 28/07/2015 về cổ phần hóa PV Power và Quyết định số 2307/QĐ-DKVN ngày 24/09/2015 phê duyệt kế hoạch tiến độ cổ phần hóa PV Power thì việc đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài (IPO) vào tháng 10/2016; Tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, đăng ký doanh nghiệp, ra mắt công ty cổ phần vào tháng 12/2016.

Hiện PVN đang năm nắm 75% vốn điều lệ của PV Power. 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng điện của PV Power đạt hơn 10,7 tỉ kWh. Doanh thu toàn PV Power ước đạt 12.398 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 897 tỉ đồng, bằng 149% kế hoạch cả năm 2016, nộp ngân sách nhà nước đạt 563 tỉ đồng.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone

Mobifone là cái tên được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn nhất và có thể thu hút một lượng vốn đáng kể khi cổ phần hóa và chọn đối tác chiến lược. Dự kiến phiên IPO MobiFone sẽ rơi vào khoảng quý 3/2016, theo đó ngày đấu giá sẽ là vào cuối năm 2016 hoặc 6 tháng đầu năm 2017.

Sau khi tách khỏi VNPT và thành lập Tổng công ty, MobiFone có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2010-2014, tổng doanh thu của MobiFone đạt hơn 191.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 8%/năm), tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 33.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 6%/năm) và tổng số tiền nộp ngân sách gần 23.000 tỷ đồng.

Năm 2015, MobiFone đạt doanh thu 36.900 tỷ đồng, lợi nhuận 7.395 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vẫn ở mức cao đạt 49,35%, nộp ngân sách 6.922 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014.

4 Tổng Công ty thuộc Bộ Xây dựng:

Bộ Xây dựng đang hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hoá 3 Tổng công ty Sông Đà , HUD, IDICOtrình Thủ tướng Chính phủ trong quý 3/2016. Đồng thời triển khai việc xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hoá Công ty mẹ Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).

Tổng công ty Sông Đà là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam, chiếm 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện. Năm 2014, Sông Đà đạt hơn 21.000 tỷ đồng doanh thu và tổng lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 254 tỷ.

HUD là chủ hàng loạt trên khắp cả nước và là chủ đầu tư những dự án khu đô thị mới ở phía Nam thành phố như Định Công (35ha), Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (184ha), KĐT Mỹ Đình, KĐT Việt Hưng…Hiện vốn điều lệ tạm tính của HUD là 3.981 tỷ đồng.

Vicem sở hữu 8 đơn vị thành viên gồm Vicem Hải Phòng, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn, Vicem Hải Vân và Vicem Tam Điệp. Trong đó, 5 doanh nghiệp thành viên đã hoàn thành xong cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hải Vân, Vicem Bút Sơn và Vicem Hà Tiên.

Kế hoạch cổ phần hóa Vicem phải lùi lại so với dự kiến ban đầu, bởi doanh nghiệp này được giao nhận lại 2 công ty xi măng thua lỗ lớn là Xi măng Sông Thao (từ HUD) và Xi măng Hạ Long (từ Tổng Sông Đà).

Còn IDICO đã và đang đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành 17 dự án khu công nghiệp trên cả nước với diện tích khoảng 7.000ha, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng như Khu công nghiệp Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch 5 - Tỉnh Đồng Nai; Mỹ Xuân A, Phú Mỹ II - Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Kim Hoa - Tỉnh Vĩnh Phúc; Quế Võ 2 - Tỉnh Bắc Ninh…Tính đến năm 2015, vốn chủ sở hữu của IDICO đạt 2.600 tỷ đồng; Tổng giá trị tài sản 12.455 tỷ đồng;Tổng giá trị sản lượng đạt 9.025 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2015 đạt 272 tỷ đồng.

Theo NDH

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video