Hòa Bình-Coteccons: Cuộc đua ngôi vua chưa hồi kết
Trong những năm trước đây, việc phát triển các công trình xây dựng có quy mô lớn, phức tạp tại Việt Nam đều phải dựa vào các nhà thầu ngoại. Hiện nay tình hình đã thay đổi khi không ít công ty xây dựng trong nước đã có những tiến bộ vượt bậc về trình độ kỹ thuật và trở thành những nhà thầu uy tín không chỉ ở trong nước.
CTCP Xây dựng Cotec – Coteccons (CTD) và CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) cùng là doanh nghiệp xây dựng, tổng thầu lớn và xuất phát cùng một thời điểm tuy nhiên khi nhìn vào cơ cấu doanh thu, giá cổ phiếu có thể thấy sự khác biệt ngày càng cách xa giữa 2 doanh nghiệp.
[caption id="attachment_26705" align="aligncenter" width="700"]
Cuộc đua không cân sức
Báo cáo hợp nhất doanh thu năm 2015 của Hòa Bình cho thấy, công ty này đạt 5.078 tỷ đồng, tăng 44,3% so với năm 2014 và đạt xấp xỉ 96% kế hoạch. Mảng xây dựng đóng góp tỷ trọng cao nhất, chiếm 99% tổng doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 83,47 tỷ đồng tỷ đồng (tăng 17,7% so với năm 2014), chưa bằng một nửa so với kế hoạch đề ra (đạt 46,4%). Chính vì vậy, kế hoạch doanh thu năm 2016 Hòa Bình đặt mục tiêu 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 252 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 200% so với năm 2015.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quý 1/2016, Hòa Bình đã ký được một số hợp đồng lớn như Vinhomes Central Park L4, 5, 6 (992 tỷ đồng), Imperial Garden (550 tỷ đồng), E.Town Central (470 tỷ đồng), Gamuda Land (730 tỷ đồng) và Khu Y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La (310 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 vừa qua, cổ đông của Hòa Bình đón nhận tin không vui là 2 dự án VietinBank Tower và Saigon South Office vì ảnh hưởng từ sự cố sập giàn giáo hồi tháng 7/2015 sẽ tiếp tục bị lỗ trong năm 2016. Do đó doanh thu của Hòa Bình đều không hoàn thành kế hoạch đề ra do công trình VietinBank Tower lỗ 125 tỷ đồng và công trình SSG Tower lỗ 28,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, tình hình hoạt động năm 2015 của Coteccons khá khả quan với doanh thu dự kiến tầm 13.800 tỷ, lợi nhuận 666 tỷ đồng.
Trong quý 1/2016, Coteccons tiếp tục ghi nhận doanh thu từ một số dự án lớn như Masteri Thảo Điền (Q.2), Regina Miracle International (Hải Phòng), Goldmark City (Hà Nội), Vinhomes Central Park (Q.Bình Thạnh). Vinhomes Times City Park Hill (Hà Nội), The Gold View (Q.4) và nhà máy Worldon (TP.HCM). Khối lượng hợp đồng chưa thực hiện lớn cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng doanh thu chính của Coteccons, tính đến thời điểm cuối năm trước, tổng giá trị hợp đồng chuyển sang năm 2016 là 15.100 tỷ đồng (tăng 152%).
Coteccons cũng đặt mục tiêu cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2017. Mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc mua bán sáp nhập hoặc thành lập một số công ty mới trong chuỗi cung ứng có liên quan đến ngành xây dựng, nhằm đạt mục tiêu đưa giá trị vốn hóa thị trường năm 2020 của công ty tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015.
Không chỉ dừng ở doanh thu, Coteccons và Hòa Bình cùng có xuất phát điểm hoạt động tập trung ở khu vực miền Nam. Tuy nhiên trong những năm gần đây, cả 2 doanh nghiệp đều mở rộng khu vực hoạt động ra miền Bắc, Trung và cả nước ngoài.
Cụ thể, Coteccons có xu hướng “Bắc tiến” mạnh hơn với hàng loạt dự án đang triển khai tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hòa Bình cũng “Bắc tiến” nhưng có vẻ vẫn khá thận trọng khi số dự án triển khai tại miền Bắc vẫn chưa nhiều. Gần đây cả 2 doanh nghiệp đều đã tiến ra ngoài biên giới Việt Nam khi Coteccons đã triển khai 1 số dự án tại Lào, còn với Hòa Bình là các dự án tại Myanmar, Malaysia.
Một minh chứng nữa cũng khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi Hòa Bình ngày càng thất thế trước Cotecons là giá cổ phiếu. Năm 2016, cổ phiếu của Công ty địa ốc Hòa Bình là 20.000 đồng trong khi đối thủ cùng ngành là Công ty Coteccons đang vươn lên ngưỡng 176.000 đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2016 của HBC, tình hình kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng, giá cổ phiếu còn kém xa đối thủ là hai vấn đề được cổ đông quan tâm chất vấn nhiều nhất. Ngoài ra tính hiệu quả trong việc sử dụng dòng vốn cũng như các khoản lỗ bất ngờ của Hòa Bình cũng bị cổ đông phàn nàn và đề nghị có biện pháp khắc phục.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HBC, Lê Viết Hải thừa nhận: “Cách đây 3-5 năm, tiềm lực của Hòa Bình và Coteccons không chênh lệch đáng kể. Song hiện nay, thị giá cổ phiếu của Hòa Bình so với Coteccons đúng là đang rất thấp”.
[caption id="attachment_26706" align="aligncenter" width="700"]
Người đứng đầu HBC dành nhiều thời gian để giải trình: Thứ nhất, công ty phát hành cổ phiếu sớm nhưng đó chưa phải là thời điểm thuận lợi nhất. Coteccons niêm yết sau, phát hành vào lúc thị trường tốt, nhờ đó huy động được vốn thặng dư cao ngay từ đầu.
Thứ hai, Hòa Bình vay ngân hàng nhiều để phát triển dự án, chi phí tài chính cao hơn đối thủ. Thêm nữa, thu nhập từ các khoản kinh doanh tài chính của HBC cũng thấp hơn.
Thứ ba, đầu tư dài hạn vào các dự án có độ khó và ở trình độ kỹ thuật cao, có rủi ro đội chi phí.
Thứ tư, trong thời gian thị trường bất động sản khủng hoảng, công ty đã có những chia sẻ với các chủ đầu tư, khiến cho tình hình tài chính gặp khó khăn và những ảnh hưởng đó vẫn còn để lại dư âm đến năm 2015.
Nước cờ tương lai
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Dương – Tổng Giám đốc Coteccons cho rằng, mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020, Coteccons phát triển theo mô hình hoạt động công ty mẹ công ty con tương tự các tập đoàn xây dựng hàng đầu trên thế giới, đẩy mạnh phân khúc thực hiện công trình làm Tổng thầu, Thiết kế và Thi công (D&B), Công trình EPC nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng, gia tăng doanh số và lợi nhuận cho Công ty.
Còn người đứng đầu HBC trần tình, giá cổ phiếu cùng với hiệu quả kinh doanh chỉ phản ánh một phần rất nhỏ và chỉ là bề nổi nhìn thấy được. Những giá trị doanh nghiệp theo đuổi tuy vô hình nhưng lại rất to lớn. Đó là đầu tư cho chặng đường dài, luôn giữ chữ tín, giành được thiện cảm tốt từ đối tác và nâng cao nguồn nhân lực qua việc vươn ra thị trường thi công ở nước ngoài, nhận thầu những công trình khó… “Chúng tôi đầu tư cho tương lai tính bằng đơn vị thập niên chứ không chỉ nhìn vào ngắn hạn”, ông Hải nhấn mạnh.
Rõ ràng, Coteccons và Hòa Bình đang trong giai đoạn ‘chạy đua ngầm’ ở nhiều vị trí và khu vực. Những chiến lược tiếp theo của 2 công ty này sẽ quyết định vị trí ai sẽ là ‘vua’ trong tương lai thì còn phải chờ ở những nước cờ tiếp theo.
Theo Enternews