HAGL: Năm 2016 sẽ khai thác, chế biến cọ dầu và cây ăn quả
Các loại cây công nghiệp ngắn hạn, trung hạn như mía đường, cọ dầu, bắp, được trồng và khai thác thực hiện mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”, thay thế cho cao su đang rớt giá. Nhà máy cọ dầu sẽ được vận hành từ quý III/2016.
Mới đây, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Liai (mã HAG-HoSE) đã công bố báo cáo thường niên năm 2015. Cùng với việc nhìn lại năm 2015, chiến lược kinh doanh năm 2016 cũng được HAGL công bố với các nhà đầu tư tại báo cáo này.
Mía đường khả quan nhất năm
Năm 2015, HAGL thu về 6.252 tỷ đồng doanh thu, cao gấp đôi so với cùng kỳ, vượt 16,9% kế hoạch đề ra. Nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 602 tỷ đồng, giảm khá mạnh và hoàn thành gần 37% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm quá sâu của giá cao su từ mức đỉnh 5.750 USD/tấn trong tháng 2/2011 xuống còn khoảng 1.000 USD/tấn và thời tiết không thuận lợi do hiện tượng El Nino.
Ngành cao su của HAGL chưa đem lại doanh thu khả quan trong năm 2015 do giá cao su sụt giảm mạnh. Đối với ngành này, HAGL sẽ cần chờ thời gian để hồi phục. Chi phí sản xuất trung bình mỗi tấn mủ cao su của HAGL trong năm 2015 khoảng 35 triệu đồng/tấn, dù tương đương với mức trung bình ngành nhưng vẫn khó có thể hòa vốn. Mảng chăn nuôi bò cũng không đạt như kỳ vọng. Ngành mía đường là điểm sáng duy nhất là ngành sản xuất mía đường vẫn duy trì được năng suất và sản lượng, đạt doanh thu như kế hoạch.
Đối với dự án khu phức hợp bất động sản tại Myanmar thì việc đưa vào vận hành kinh doanh khối văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao chậm hơn kế hoạch do bị tác động bởi các yếu tố khó khăn về nguồn nhân công và vật tư nhập khẩu vào Myanmar để thực hiện khâu hoàn thiện. Xét về tổng thể, năm 2015 là năm khó khăn đối với HAGL khi hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận, đều không đạt được.
"Lấy ngắn - nuôi dài", chế biến cọ và một số cây ăn quả trong năm 2016
Tính đến cuối năm 2015, tổng diện tích các loại cây duy trì ở mức 90.000 ha. Trong đó, diện tích cao su là 38.428 ha, diện tích cọ dầu là 28.626 ha, diện tích mía đường là 6.000 ha, còn lại là diện tích các loại cây trồng khác.
Đối với các ngành nghề trồng trọt, HAGL sẽ không mở rộng diện tích trồng mới mà chỉ tập trung vào chăm sóc và khai thác; bảo trì và vận hành tốt các nhà máy chế biến cao su, mía đường và cọ dầu trong năm 2016.
Chiến lược mà HAGL trong trồng trọt là lựa chọn là đa dạng hóa sản phẩm, thực hiện mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”. Trong năm 2016 HAGL sẽ bắt đầu khai thác chế biến cọ dầu và một số loại cây ăn quả. HAGL dự kiến sẽ thu hoạch và vận hành thử nhà máy cọ dầu từ Quý III/2016.
Trước đó, vào ngày 25/5, HAGL đã được UBND tỉnh Gia Lai cho phép chuyển đổi tổng cộng 684,6 ha tại huyện Ia Grai của Bò sữa Tây Nguyên và huyện Mang Yangi của Chăn nuôi Gia Lai sang trồng cây ăn trái để cung cấp cho NM chế biến các sản phẩm từ cây ăn trái của HAGL.
Đối với chăn nuôi, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển đàn bò thịt để tận dụng nguồn phụ phẩm thức ăn đang sẵn có và tích cực triển khai công tác xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và bắp, xây dựng cơ sở hạ tầng tưới tiêu và vận chuyển để đáp ứng số lượng phát triển của đàn bò.
Đối với dự án khu phức hợp bất động sản tại Myanmar, trong 6 tháng đầu năm 2016 HAGL sẽ hoàn thành và vận hành chính thức khách sạn 5 sao. Tập đoàn dự kiến tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2 phù hợp với khả năng dòg tiền thu từ kinh doanh giai đoạn 1 và bán căn hộ của giai đoạn 2.
Khu phức hợp HAGL Myanmar Center là dự án của HAGL được đầu tư theo hợp đồng BOT trong thời gian 70 năm với tổng mức đầu tư 440 triệu USD, diện tích đất 73.358 m 2 tại thành phố Yangon. Đến cuối năm 2015, HAGL đã bàn giao và đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar Center bao gồm các hạng mục: Trung tâm thương mại – văn phòng gắn kết liên hoàn với 2 tòa tháp văn phòng, 2 tòa tháp căn hộ dịch vụ và 3 tòa tháp căn hộ dân cư.
Theo NDH