Gửi tiết kiệm biến thành mua bảo hiểm 82 năm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xác minh

Theo phản ảnh của bà Dung, bà được ngân viên ngân hàng mời gọi gửi tiết kiệm 'sau 6 năm là có tiền tích lũy cho con', nhưng hợp đồng lại là mua bảo hiểm có thời hạn đáo hạn tới... 82 năm.

Ngày 15-8, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết ông Trần Quốc Hà - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ - vừa có văn bản đề nghị giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh TP Cần Thơ (MB Cần Thơ) xác minh thông tin, báo cáo khiếu nại của công dân về việc "tư vấn gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm 82 năm".

Theo văn bản, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ có nhận đơn của bà Huỳnh Thị Thanh Dung (ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) về việc hai nhân viên của MB chi nhánh Cần Thơ là N.T.K.O. và L.T.T.T. tự đến cửa hàng kinh doanh của bà Dung để tiếp cận, tư vấn "gửi tiền tiết kiệm cho con". Nhưng sau đó, bà Dung được ký hợp đồng điện tử mua bảo hiểm có thời hạn đáo hạn 82 năm.

"Thực hiện chức năng quản lý các tổ chức tín dụng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ đề nghị giám đốc MB chi nhánh Cần Thơ xác minh lại thông tin công dân phản ánh, báo cáo về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ", văn bản yêu cầu.

Lãnh đạo chi nhánh MB Cần Thơ cho biết đã làm việc với khách hàng và công ty bảo hiểm. "Về thông tin ban đầu, thông tin khách hàng ký, nhắn chuyển tiền, file ghi âm, tin nhắn đã xác nhận lại là đã đồng ý tham gia mua bảo hiểm", vị lãnh đạo MB chi nhánh Cần Thơ nói và cho biết công ty bảo hiểm sẽ soạn văn bản trả lời khách hàng. 

Trong văn bản phúc đáp, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas khẳng định khách hàng đã nhận được tin nhắn phát hành hợp đồng điện tử, xác nhận thông tin về hợp đồng bảo hiểm và đã được tư vấn về hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, công ty không đủ cơ sở giải quyết phản ánh của khách hàng.

Công ty cũng viện dẫn ngày đáo hạn hợp đồng là ngày kỷ niệm năm hợp đồng khi tuổi bảo hiểm đạt 100 tuổi nếu hợp đồng còn hiệu lực đến ngày cuối cùng của thời hạn hợp đồng.

Trường hợp hủy hợp đồng trong những năm đầu, khách hàng sẽ bị thiệt hại về tài chính do giá trị hoàn lại chưa bằng số phí đã đóng. Cụ thể trong 6 năm đầu, hủy hợp đồng trong năm thứ nhất bị trừ đi 90%, năm thứ 2 là 80%, năm thứ 3 là 70%, năm thứ 4 là 50% , năm thứ 5 là 20% và năm thứ 6 là 0%.

Nhưng theo phản ánh của bà Dung, nhân viên O. liên tục mời gọi gửi tiết kiệm và nói chỉ sau 6 năm là có được khoản tiền tích lũy cho con. Sau đó, O. tiếp tục giới thiệu đồng nghiệp T. và cho biết là người phụ trách làm hồ sơ.

T. cũng giới thiệu tương tự là gửi tiết kiệm sau 6 năm là có được khoản tiền tích lũy cho con và không đề cập đến mua bảo hiểm. Vì vậy, bà Dung mới đồng ý.

Theo Chí Hạnh (Tuổi trẻ)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video