Giá vàng lao dốc sau tín hiệu lãi suất cứng rắn từ Chủ tịch Fed

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn 12,5 triệu đồng/lượng...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá vàng thế giới giảm mạnh từ mức đỉnh 2 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (26/1), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu cứng rắn về lãi suất. Giá vàng miếng trong nước giảm chậm, khiến chênh lệch vượt 12 triệu đồng/lượng.

“Fed đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ hơn về việc sẽ nâng lãi suất vào tháng 3”, thời điểm Fed sẽ chính thức kết thúc chương trình mua tài sản – chuyên gia Matthew Sherwood của Economist Intelligence Unit (EIU) phát biểu.

Trong tuyên bố sau cuộc họp kéo dài hai ngày 25-26/1, Fed nói rằng một đợt nâng lãi suất cơ bản đối với các khoản vay ngắn hạn, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, có thể được triển khai trong tháng 3 này.

“Với lạm phát cao hơn nhiều mức 2% và thị trường lao động đang mạnh, Uỷ ban dự kiến sẽ là phục hợp để nâng khoảng mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang”, Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – bộ phận quyết định chính sách của Fed – nói trong tuyên bố. Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 3.

Tuy nhiên, điều khiến thị trường lo ngại hơn là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Tại họp báo sau cuộc họp Fed, ông Powell nói rằng có “khá nhiều dư địa” để nâng lãi suất trước khi việc này có thể ảnh hưởng bất lợi đến thị trường việc làm. Ông cũng nói giá cả sẽ tiếp tục đi lên vì “khả năng lạm phát nghiêng về tăng”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 1,8% sau phát biểu của ông Powell, gây thêm áp lực giảm giá lên vàng.

“Sau khi nghe Chủ tịch Powell nói, thị trường nhận thấy rõ khả năng sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn dự kiến”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.

Giá vàng giao ngay tại thị trường New York đóng cửa phiên giao dịch với mức giảm 28,5 USD/oz, tương đương giảm hơn 1,5%, còn 1.820,4 USD/oz.

Cú giảm này đưa giá vàng về mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây. Trước đó, trong phiên ngày thứ Ba, giá vàng đạt mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 11.

Thị trường đang lo ngại ảnh hưởng của lãi suất tăng sẽ khiến vàng – một tài sản không mang lãi suất – chịu nhiều áp lực giảm giá trong ngắn hạn.

“Nhu cầu vàng trên thị trường vàng vật chất và nhu cầu của các quỹ ETF vẫn mạnh, nhưng phát biểu cứng rắn của ông Powell có thể khiến giá vàng khó vượt được mốc 1.850 USD/oz trong ngắn hạn”, nhà giao dịch kim loại độc lập Tai Wong ở New York nhận định. 

Đồng USD tăng giá mạnh sau cuộc họp Fed, với chỉ số Dollar Index vọt lên ngưỡng 96,6 điểm, từ mức dưới 96 điểm vào sáng qua.

Tuy nhiên, trong tuần này, giá vàng hưởng lợi từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng và thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh.

Xu hướng giảm của giá vàng thế giới tiếp tục sáng nay, với giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam giảm 3,3 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, còn 1.817,1 USD/oz.

Mức giá này tương đương 49,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan. So với sáng qua, giá vàng thế giới hiện giảm 800.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước đầu giờ sáng nay (27/1) không phản ánh hết mức giảm trên.

Lúc gần 9h sáng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 61,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62,3 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 280.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53 triệu đồng/lượng và 53,7 triệu đồng/lượng, giảm 750.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 61,7 triệu đồng/lượng và 62,3 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 200.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn 12,5 triệu đồng/lượng, từ mức chênh 11,7-11,8 triệu đồng/lượng vào sáng qua.

Theo Điệp Vũ (VnEconomy)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video