Được "vua hàng hiệu" dẫn lối, Sasco thay đổi thế nào?
Là một doanh nghiệp với phần lớn doanh thu từ việc kinh doanh hàng miễn thuế, dưới sự "dẫn lối" của ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, Sasco đã thay đổi như thế nào?
Sở hữu gần 44% cổ phần, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, tháng 4/2017, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) vừa chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).
Ông Hạnh giữ chức chủ tịch HĐQT thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương, người gia nhập Sasco từ những ngày đầu mới thành lập. Bà Hương vẫn tiếp tục đảm đương vị trí Tổng giám đốc của Sasco.
Theo ông Hạnh Nguyễn cho biết, suốt 25 năm qua IPP đã luôn đồng hành cùng Sasco chứ không phải những năm gần đây hai bên mới hợp tác. Trải qua một quá trình dài cùng nhau hỗ trợ và phát triển, IPP đã cho thấy những thế mạnh thực sự của mình trong nhiều lĩnh vực như quản trị, điều hành các dịch vụ phi hàng không... đặc biệt trong việc kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay, góp phần giúp Sasco ổn định và phát triển.
Được biết, nhiều năm qua trong tổng doanh thu của Sasco chiếm tới khoảng 50% - 65% đến từ việc kinh doanh hàng miễn thuế. Với nhiều thế mạnh như vậy, IPP được chọn là đối tác chiến lược của Sasco là điều dễ hiểu. Liên quan đến việc được bầu ở vị trí cao nhất của Sasco, ông Hạnh chia sẻ: với vị trí Chủ tịch ông chỉ thay mặt HĐQT để ký và thi hành các quyết định của HĐQT và Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, còn người chịu trách nhiệm trước pháp luật, được HĐQT phân quyền/ Người điều hành trực tiếp hàng ngày vẫn là bà Đoàn Thị Mai Hương, tổng giám đốc Sasco.
Với sự gắn bó suốt 25 năm, theo ông Hạnh Nguyễn, Sasco cũng như là “nhà” mình vậy. Thế nên với chức vụ mới mà ông Hạnh Nguyễn đảm đương không hề xa lạ, chẳng qua chỉ là để hợp thức hoá những việc mình đã làm suốt nhiều năm qua mà thôi.
Trong hai năm 2015 và 2016 IPP đã cùng với Sasco đưa ra nhiều giải pháp, tái cơ cấu, hoạch định chiến lược phát triển… Vì thế sắp tới Sasco tiếp tục theo kế hoạch, chiến lược của năm qua để vững vàng phát triển, khoác lên chiếc áo mới đẹp đẽ hơn.
Ông Hạnh Nguyễn cho rằng thời gian tới sẽ thay đổi mới theo hướng sang trọng hiện đại hơn tại các cửa hàng hiệu miễn thuế, nhà hàng, phòng chờ hạng thương gia, chất lượng dịch vụ... Sư thay đổi này là đem lại hiệu quả hơn trong kinh doanh, góp phần tạo nên làn gió mới cho dịch vụ mặt đất ở sân bay. Và cuối cùng nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ nhân viên, góp phần cho sự phát triển chung của ngành hàng không.
Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, tháng 5/2017, ông Hạnh Nguyễn đã ký văn bản chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 2. Tỷ lệ thực hiện là 10,84% trên mệnh giá cổ phiếu (tức mỗi cổ phiếu nhận 1.084 đồng).
Cũng trong tháng 5/2017, Tân Chủ tịch HĐQT SASCO đã quyết định mua 2 triệu cổ phiếu quỹ nhằm hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cho cổ đông. Theo đó, giá mua vào theo giá thị trường nhưng không vượt quá 28.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Sasco sẽ chi tối đa 56 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu quỹ này. Nguồn vốn thực hiện lấy từ quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính gần nhất của công ty. Trước giao dịch này Sasco không sở hữu cổ phiếu quỹ nào.
Gần đây nhất, ông Hạnh Nguyễn ra văn bản tạm dừng hoạt động chi nhánh tại Hà Nội. Thời gian tạm dừng hoạt động đối với chi nhánh này là 12 tháng kể từ ngày 1/7. Nguyên nhân được đưa ra là chi nhánh này hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Điều này có thể đã được dự báo trước khi cách đây không lâu, theo một nguồn tin riêng, IPP đã bỏ ra 5 triệu USD trong chiến dịch cải tổ các cửa hàng, nâng cấp thương hiệu và chất lượng ở các nhà ga, sân bay thuộc SAS quản lý. Trong kế hoạch sắp tới, tiền đầu tư mới thậm chí có thể sẽ lên trên 2 con số. Bên cạnh đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đưa ra quyết sách để Sasco thanh lý các hạng mục đầu tư dàn trải, tập trung nguồn lực về các địa chỉ có tỷ suất hoàn vốn, sinh lời cao.
Quý I/2017, SAS đạt lợi nhuận sau thuế gần 70 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 42% so với cùng kỳ. Các hạng mục đầu tư mới chưa được chính thức công bố, song, SAS hiện đã mở lối cho những dịch vụ tương lai như xuất khẩu nước hoa quả đóng hộp, nước mắm, hoa tươi... đến các thị trường Đức, Úc, Châu Âu. Tổng doanh thu của Cty trong tương lai sẽ không còn chỉ nhìn vào duy nhất sức mua của giới nhà giàu, trung lưu và các dịch vụ hàng không tại chỗ. Rủi ro về lạm phát, sức mua ... của ngành kinh doanh dịch vụ hàng không sẽ được giảm tác động tối đa.
Về dài hạn, quan trọng nhất, với việc nắm hơn 30% cổ phần của CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) – chủ đầu tư CRTC là nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ lớn tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, ở cương vị Chủ tịch HĐQT Sasco, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chắc chắn không để Sasco đứng yên một chỗ, “tắm mãi trong ao nhà”. Sasco sẽ có nhiều cơ hội tham gia dịch vụ ở các sân bay khác nơi IPP Group có mặt và nếu IPP có thêm cơ hội tham gia các sân bay mới. Và cũng qua Sasco, qua CRTC, qua sân bay Đà Nẵng... ông vua hàng hiệu cũng đang chứng tỏ ông đã sẵn sàng đi sâu hơn nữa vào ngành hàng không, nơi không chỉ có bầu trời mới là khoảng tài nguyên mênh mông đang được nhiều DN tính đường chia lại.
Tại SASCO, thông qua một số doanh nghiệp gia đình như IPP, DAFC, ACFC, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang nắm 44% cổ phần. Hiện tại, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ tỷ lệ 49,8%.
Trong HĐQT SASCO, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch HĐQT. Vợ ông, bà Lê Hồng Thủy Tiên, làm Thành viên HĐQT không điều hành.