Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay lãi suất 5%/năm
Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF, Bộ KH&ĐT) cho biết, trong năm 2016 sẽ triển khai 4 chương trình cho vay áp dụng cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Tổng vốn cho vay 660 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 5%/năm.
[caption id="attachment_28969" align="aligncenter" width="600"]
Theo đó, các chương trình gồm: hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo; hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm và thủy sản; hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí; hỗ trợ DN ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.
Nguồn vốn của mỗi chương trình từ 100-210 tỷ đồng. Tùy theo từng chương trình, mỗi DN sẽ được vay từ 10-25 tỷ đồng, thời gian vay từ 18-24 tháng.
Theo bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc SMEDF, khối DN nhỏ và vừa nước ta có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay cả nước có hơn 500 nghìn DN, chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động, đóng góp 33 % tổng thu ngân sách, 45% GDP, tạo ra 62% việc làm.
Đa phần DN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận tài chính, chủ yếu do lãi suất vay của các ngân hàng thương mại còn cao và điều kiện cho vay không đáp ứng, thủ tục vay vốn phức tạp.
SMEDF được thành lập từ 17/4/2013 theo quyết định số 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng. Quỹ sẽ thực hiện việc cho các DNNVV vay vốn thông qua phương thức ủy thác cho các ngân hàng thương mại. Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai việc cho vay vốn thông qua ủy thác cho 03 ngân hàng thương mại là Vietcombank, BIDV và HDBank. Các DNNVV trên cả nước có thể lựa chọn vay vốn theo 1 trong 4 chương trình hỗ trợ tài chính trong năm nay của SMEDF. Riêng năm 2016 sẽ cho DN vay 660 tỷ đồng.
Để tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ cho 4 chương trình này, các DN cần đáp ứng tiêu chí bắt buộc về DNNVV quy định tại Điều 6 Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT, có dự án/phương án sản xuất kinh doanh vay vốn để thực hiện đầu tư cơ bản phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, đối với chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các DN cần đáp ứng tối thiểu 1 trong 6 tiêu chí về đổi mới sáng tạo, bao gồm: được hỗ trợ, tài trợ đầu tư ít nhất một chương trình của Chính phủ Việt Nam hoặc nước ngoài nhằm thúc đẩy sáng tạo; hỗ trợ đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm; được giải ba trở lên tại các cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia; được cấp Giấy chứng nhận DN khoa học và công nghệ, DN công nghệ cao, được sử dụng ngân sách nhà nước trong phát triển công nghệ; có giải pháp kỹ thuật được bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích trong lĩnh vực liên quan đến các ngành kinh doanh của DN hoặc được nhận chuyền giao công nghệ từ Danh mục Công nghệ khuyến khích chuyển giao do Thủ tướng/Chính phủ ban hành và có chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Đối với 3 chương trình còn lại, ngoài tiêu chí chung theo quy định tại Thông tư 13, các DN cần đáp ứng điều kiện là DNNVV có thời gian hoạt động 3 năm kể từ thời điểm đăng ký kinh doanh.
Theo thông báo từ Cục thống kê, Nhà nước hiện có khoảng 500 ngàn DN, trong đó DNNVV chiếm 97% tổng số DN cả nước, đóng góp 46% GDP, 31% thuế, sử dụng khoảng 60% lao động/52,25 triệu lao động cả nước. Nhu cầu đầu tư, khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất- kinh doanh ở các ngành nghề khác nhau là rất lớn.
Bà Đào Thị Kim Ngân- Chủ tịch HH DNNVV Hải Phòng cho rằng: “Thực tế có rất nhiều chương trình hỗ trợ vốn cho DN của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản…nhưng các DN không dễ tiếp cận các nguồn vốn này, nhất là nguồn vốn có lãi suất ưu đãi. Với Quỹ, năm 2016 thực hiện 4 chương trình cho vay như trên, có tổng hạn mức là 560 tỷ đồng, triển khai hỗ trợ DNNVV trong cả nước như vậy thì tổng vốn đầu tư quỹ là quá ít so với nhu cầu vay vốn của DN”.
Đồng thời Bà kiến nghị một số điểm: “Vai trò của Quỹ cần được chỉ rõ là cơ quan đầu mối thực hiện hỗ trợ tài chính cho DNNVV; Thành lập quỹ tương hỗ DNNVV do các DNNVV thành viên Hiệp hội góp vốn thành lập, hỗ trợ vốn cho DN trong phạm vi vốn góp của mình để cùng các tổ chức khác chủ động tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DNNVV; Quỹ, Bộ KH&ĐT, các ngân hàng được ủy thác cho vay vốn nên đổi mới quy trình cho vay vốn theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, giảm phiền hà…”.
Tại hội thảo về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đây, nhiều chuyên gia kiến nghị, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cần theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế “xin-cho”, thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Hoạt động hỗ trợ DNNVV, theo nhiều khảo sát đánh giá, hiện chủ yếu mới tập trung vào việc khi DN gặp khó khăn, chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy DN phát triển bền vững. Do đó, thời gian tới cần thiết có nhiều chương trình hỗ trợ nhóm DN này phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sắp tới.
Theo DĐDN