Doanh nghiệp điêu đứng vì "ế" nhà ở xã hội

Nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang “mắc kẹt” khi đầu ra cho sản phẩm không bán được, còn những người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà vẫn ngóng gói tín dụng ưu đãi sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc.

[caption id="attachment_41093" align="aligncenter" width="500"]Nhiều người có nhu cầu mua dự án nhà ở xã hội P.H Hưng Yên nhưng vẫn chưa tiếp xúc được nguồn vốn Nhiều người có nhu cầu mua dự án nhà ở xã hội P.H Hưng Yên nhưng vẫn chưa tiếp xúc được nguồn vốn[/caption]

Ông Nguyễn Chí Tịnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư P.H, một doanh nghiệp đang triển khai xây dựng 7 tòa nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất tỉnh Hưng Yên cho biết, tòa nhà đầu tiên với hơn 300 căn hộ được doanh nghiệp của ông bán rất tốt và đến nay đã bàn giao căn hộ cho khách hàng. Tuy nhiên, tòa nhà thứ 2 đã cất nóc và chính thức mở bán gần 2 tháng nay nhưng hồ sơ mua căn hộ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Doanh nghiệp bế tắc

Trao đổi với DĐDN, ông Tịnh chỉ rõ nguyên nhân "ế" căn hộ là do khách hàng không tiếp cận được nguồn vốn vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, trong khi nhu cầu mua căn hộ của người thu nhập thấp trên địa bàn Hưng Yên còn rất nhiều. Về phía chủ đầu tư vừa cố gắng đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời phối hợp với ngân hàng để có gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho khách hàng.

"Nhưng chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ phần nào bởi vì tham gia vào lĩnh vực NOXH, các doanh nghiệp đã bị khống chế lãi suất ở mức 10% nên cũng chỉ có thể hỗ trợ khách hàng mức lãi suất 5% như gói ưu đãi trong vòng 2 năm đầu” - ông Tịnh cho hay.

Cùng chung cảnh ngộ như công ty trên, ông Vũ Kim Giang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát, chủ đầu tư dự án NOXH The Vest Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn khi dự án có 1.500 căn NOXH thì có đến hơn nửa hồ sơ khách hàng vẫn đang chờ chính sách tín dụng ưu đãi, chưa ký hợp đồng mua bán. Trong khi dự án đã xây xong thô, có tòa đã cất nóc.

“Có đến 90% khách hàng đăng ký mua nhà ở dự án này của chúng tôi đăng ký vay vốn ưu đãi từ gói 30 nghìn tỷ. Thế nhưng gói khép lại đúng vào thời điểm chúng tôi ký hợp đồng mua bán với khách hàng nên khách hàng không dám ký nữa” - ông Giang bộc bạch.

Những chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội khác như Bright City (Hoài Đức, Hà Nội) với quy mô hơn 1000 căn hộ, NOXH Kiến Hưng ở Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) với quy mô 500 căn hộ... cũng đang rơi vào cảnh bế tắc và giờ DN đang phải hoạt động cầm chừng để đợi nguồn vốn.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) được thực hiện mới đây, tỷ lệ các gia đình Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng chiếm 40%. Các nghiên cứu về thị trường nhà ở của Bộ Xây dựng chỉ ra 80% những người có nhu cầu về nhà ở không có đủ khả năng tự mình chi trả theo cơ chế thị trường.

Mức thu nhập này khiến việc sở hữu nhà vượt khả năng tự chi trả theo cơ chế thị trường của người dân. Do vậy một chính sách tín dụng mang tính dài hạn cho loại hình nhà ở xã hội trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Chính sách không ổn định

Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc giải ngân, theo Quyết định mới nhất số 1013 ngày 6/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội mới sẽ là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ áp dụng đến hết ngày 31/12/2016.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách NOXH và có công văn chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội và 4 ngân hàng cổ phần thương mại nhà nước: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank hỗ trợ người dân mua NOXH theo Nghị định 100. Mặc dù văn bản hướng dẫn đã có, nhưng đến nay vẫn chưa biết nguồn vốn để thực hiện chương trình này sẽ lấy từ đâu. Chính sách chậm trễ triển khai, thì người thu nhập thấp sẽ mất cơ hội vay vốn ưu đãi để mua nhà.

Ông Phạm Thế Hưng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản AZ, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bright City thừa nhận, nhà ở xã hội có đặc thù là phụ thuộc vào chính sách, gần như toàn bộ khách hàng đều trông chờ vào việc hỗ trợ vay vốn mua nhà. Vì thế, khi chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi không còn, nhà ở xã hội cũng không còn khách mua.

Cũng đề cập đến chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội, ông Nguyễn Kim Giang khẳng định, nếu không có chính sách tín dụng dài hạn cho lĩnh vực nhà ở xã hội thì rất khó để phát triển nhà ở xã hội.

"Việc đầu tư xây nhà ở xã hội trước đến nay vẫn được cho là nhiều DN “né” vì lợi nhuận không cao tuy nhiên những DN tiên phong như chúng tôi thì cũng đang bị bế tắc vì chính sách. Nếu chính sách thay đổi chóng mặt như hiện nay thì sẽ khó thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này”, ông Giang cho hay.

Ông Giang cũng đề xuất việc phát triển nhà ở xã hội là một chiến lược dài hơi đã được đưa vào Luật và trong Nghị định, do đó Ngân hàng Nhà nước cũng cần thiết phải xây dựng chính sách những gói vay ưu đãi theo hướng dài hạn cho người nghèo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc chậm trễ của nguồn vốn này là do hiện nay các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT đang có những ý kiến khác nhau về mức lãi suất, nguồn vốn cho chương trình.

Tuy nhiên, dưới góc độ của DN, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, cần phải coi nhà ở xã hội là công tác chiến lược, lâu dài và cần tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ cho lĩnh vực nhà ở xã hội. “Đây là chính sách an sinh xã hội dành cho người lao động thu nhập thấp, do đó cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể xem xét để cấp nguồn vốn cho lĩnh vực này” - ông Thành kiến nghị.

Theo Lưu Vân DĐDN

Tags:

Đề xuất đáng lưu ý về nhà ở xã hội

Nhu cầu cấp thiết của người dân với loại hình nhà ở xã hội (NƠXH), nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, người lao động trong các khu công nghiệp, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… xưa nay vẫn luôn là một vấn đề “nóng” trong xã hội. Vì vậy, sau khi một báo cáo đề xuất của UBND TP Hà Nội được công bố mới đây, không chỉ người dân, mà chính quyền nhiều tỉnh, thành khác cũng rất quan tâm, trông đợi.

Video