Đến đại hội cổ đông để “trải nghiệm”
Ngày càng có nhiều ĐHCĐ tạo cho NĐT cảm giác “trải nghiệm” hơn là “đi họp” hay chờ đợi những cuộc đấu khẩu, cãi vã căng thẳng.
Nhìn một cách bi quan, nhiều ĐHCĐ có vẻ trầm và chán, nhưng đó là thực tế biểu hiện cho xu hướng minh bạch, hiệu quả trong quản trị chiến lược của công ty.
Đi 3 giờ chờ 30 phút
Thời lượng trung bình của ĐHCĐ kéo dài trong khoảng 3 giờ nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái. Trường hợp nếu các nhóm cổ đông đấu khẩu với nhau, cổ đông chất vấn, xung đột ban lãnh đạo sẽ lâu hơn nhiều. Nhưng đối với nhiều người, 3 giờ có vẻ là khoảng thời gian xa xỉ vì trọng tâm của ĐHCĐ rơi vào khoảng 30 phút hỏi đáp giữa cổ đông và ban lãnh đạo.
Và có khi phần hỏi đáp cũng không kéo dài đến 30 phút, điển hình như tại ĐHCĐ của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, liên tục đề nghị các cổ đông đặt những câu hỏi hóc búa để ban lãnh đạo có thể nhìn lại mình, suy nghĩ những phương hướng kinh doanh mới, nâng cao hiệu quả. Nhưng các ý kiến đều bày tỏ sự tri ân với nỗ lực của ban lãnh đạo và thường cũng chỉ có khoảng 3-4 cổ đông phát biểu.
Phần hỏi đáp tại ĐHCĐ của CTCK Sài Gòn (SSI) nhiều năm nay luôn được quan tâm, bởi theo ý kiến của nhiều cổ đông và môi giới chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI, nhận định thị trường rất chuẩn nên ai cũng muốn đi nghe. Nhưng ngoài phần hỏi đáp, trong khoảng 2 năm trở lại đây ĐHCĐ của SSI còn cộng thêm (bonus) cho khách đến tham dự một phần đối thoại trực tiếp với với ông Nguyễn Duy Hưng vào giờ giải lao.
Người đứng đầu SSI giống như một người diễn thuyết, trong khi cổ đông và khách mời giống như khán giả, một bên say sưa nói, phần còn lại chú ý lắng nghe. Những vấn đề nóng như phái sinh, cổ phần hóa, vốn ngoại được cổ đông, báo chí, và thậm chí có cả những người từ CTCK “bạn” đặt vấn đề đều được ông Hưng giải đáp một cách rành mạch trong khoảng 30 phút. Cách làm này tạo ra sự gần gũi và tin tưởng, thậm chí còn hơn cả phần hỏi đáp.
Tại ĐHCĐ của Thế giới di động (MWG), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Đức Tài đã đưa rất nhiều quản lý các bộ phận từ mảng online, cho đến Bách Hóa Xanh, các dự án công nghệ… lên ngồi gần với mình trong phần hỏi đáp với các cổ đông. Sau đó, trong giờ giải lao ông Tài còn tranh thủ trao đổi với các cổ đông không chỉ trong vai trò người đứng đầu công ty mà còn giống như một người… chăm sóc khách hàng.
Trước một ý kiến đề xuất MWG nên cố định đội ngũ quản lý vùng, quản lý cửa hàng tại các khu vực có chất lượng dịch vụ vào loại tốt nhất tại TPHCM như quận 1, quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận… thay vì luân chuyển, ông Tài đã ví von những quản lý của mình như các chiến sĩ trên thương trường.
[caption id="attachment_55562" align="aligncenter" width="450"]
Hệ sinh thái thông tin
ThS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc khối quản lý hoạt động Tập đoàn Bảo Việt (BVH), phân tích: “Chỉ riêng một mảng trong bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, quản lý quỹ… cũng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía các NĐT, trong khi BVH có tất cả những ngành nghề này, nghĩa là nhu cầu thông tin cực kỳ lớn. Nếu chỉ xem ĐHCĐ là cơ hội để giao lưu và trao đổi với NĐT về thông tin, nhiều khả năng ĐHCĐ sẽ bị quá tải, thậm chí vỡ trận vì không thể đáp ứng được hết nhu cầu”.
Những năm gần đây, BVH liên tục hoàn thiện hệ sinh thái thông tin cho mình và có tính liên tục thông qua hoạt động công bố thông tin từ công ty mẹ, cho đến các đơn vị thành viên.
Báo cáo thường niên (BCTN) của BVH phác thảo chi tiết tất cả các hoạt động của công ty trong hàng ngàn trang giấy và người đọc có thể lướt hay đi vào từng vấn đề để tìm kiếm thông tin. Bên cạnh đó, hàng chục buổi tiếp xúc trực tiếp với các NĐT tổ chức, NĐTNN cũng được bộ phận quan hệ NĐT (IR) của BVH thực hiện thông qua các buổi gặp mặt tại trụ sở tập đoàn hoặc các hội nghị trong và ngoài nước.
BCTN của CTCK TPHCM (HSC) cũng được đánh giá cao bởi những thông điệp, số liệu quan trọng. Những người “có nghề” làm BCTN tại các công ty niêm yết lớn chia sẻ, dường như các thông điệp, ý tưởng chuyển tải quan trọng nhất trong BCTN của HSC được trực tiếp viết bởi những người điều hành cao nhất công ty nên rất trực diện và có tầm, dù câu chữ không có gì phức tạp.
Điểm nổi bật nhất trong BCTN của HSC là ngoài thông tin về công ty, NĐT có thể nắm thêm thông tin về ngành, một mối quan hệ tương hỗ, hiểu tổng quan để nắm chắc chi tiết và ngược lại. Nhiều năm nay, một số doanh nghiệp đã tổ chức buổi gặp gỡ gọi là “tiền ĐHCĐ” để giải đáp tất cả thông tin liên quan, tránh dồn ứ tại ĐHCĐ chính và tất nhiên số liệu phải đảm bảo có độ chính xác.
Nhìn chung, khi số lượng công ty niêm yết tiếp tục tăng, mật độ ĐHCĐ sẽ ngày càng dày, sự tập trung cho các công ty ít nhiều bị phân tán. Cũng có ý kiến cho rằng, thời tiết tại TPHCM, nơi có mật độ ĐHCĐ dày đặc nhất khá nóng bức, nên nhiều người ngại đi làm đại hội giảm nhiệt. Nhưng nên nhớ rằng, đồng tiền đi liền khúc ruột, nếu mang trong mình sự bực bội, không hài lòng, thậm chí NĐT còn có thể tìm chỗ để “xả” và ĐHCĐ có khi là địa điểm lý tưởng không chừng.
Theo Thái Ca Saigondautu