CTCP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật 29 (E29) tuột dốc sau cổ phần hóa

Sau phiên chào sàn UPCoM vào ngày 5/11/2019, cổ phiếu E29 của CTCP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật 29 đã có nhiều phiên tăng giá, đưa thị giá cổ phiếu này từ 12.800 đồng/cổ phiếu lên 20.000 đồng/cổ phiếu. Diễn biến tăng của giá cổ phiếu đang ngược dòng với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Lợi nhuận đi xuống

CTCP Ðầu tư xây dựng và kỹ thuật 29 vốn là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác đá, cát, sỏi, đất sét, sản xuất bê tông, thoát nước và xử lý nước thải, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng, kinh doanh bất động sản...

Công ty thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2017 và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 3/2018.

Trước cổ phần hóa, Công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Mặc dù quy mô vốn rất nhỏ, nhưng Công ty lại ghi nhận hiệu quả kinh doanh rất tốt. Năm 2014, Công ty đạt doanh thu thuần 568 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2013.

Năm 2015, doanh thu của Công ty đạt 1.107 tỷ đồng, tăng 94,8% so với năm 2014. Năm 2016, doanh thu tiếp tục tăng gần gấp đôi so với năm trước, đạt 2.141 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 3 năm 2014 - 2016, doanh thu của Công ty đã tăng gần 4 lần.

Ði cùng với sự tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Công ty các năm 2014, 2015, 2016 lần lượt là 8 tỷ đồng, 17,2 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn 3 năm này đạt lần lượt 46,3%, 75,5% và 76,6% - mức rất cao. 

Sau cổ phần hóa, Công ty 29 có vốn điều lệ 50 tỷ đồng; trong đó, cổ đông Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần, nhà đầu tư chiến lược là CTCP Dịch vụ thương mại và sản xuất Hùng Phát nắm giữ 36%.

Cũng từ đây, hiệu quả kinh doanh của Công ty liên tục đi xuống.

Năm 2017, năm Công ty thực hiện bán đấu giá lần đầu và vẫn còn hoạt động dưới mô hình công ty TNHH, tổng doanh thu đạt 1.370 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng.

Năm 2018, khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, doanh thu của Công ty giảm xuống 451 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng rơi xuống còn 3,6 tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm nay, Công ty công bố doanh thu 376 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1,5 tỷ đồng.

Ðáng chú ý, trong báo cáo tài chính năm 2018 (từ tháng 3 - 31/12/2018), kiểm toán viên có ý kiến ngoại trừ về số dư tiền mặt tồn quỹ 15 tỷ đồng, vì lý do hạn chế từ phía đơn vị, kiểm toán không tham gia quan sát kiểm kê tiền mặt. Do đó, kiểm toán xác định không đủ cơ sở đánh giá tính hiện hữu số dư tiền mặt này.

Cổ đông Hùng Phát thoái vốn trước thời hạn: Có sai luật?

Theo bản công bố thông tin của CTCP Ðầu tư xây dựng và kỹ thuật 29 khi chào sàn UPCoM, ngoài Tổng công ty 319, Công ty còn có 2 cổ đông lớn khác, gồm CTCP Xây dựng và kinh doanh thương mại Âu Lạc (sở hữu 24,75%) và cổ đông Ðặng Minh Hòa (sở hữu 13,99%).

Cũng theo báo cáo, Công ty chỉ còn 2 cổ đông tổ chức. Như vậy, Công ty Hùng Phát đã thoái hết vốn tại CTCP Ðầu tư và xây dựng kỹ thuật 29 khi chưa nắm giữ cổ phần đủ 3 năm.

Theo Nghị định 126/2017/NÐ-CP, cổ đông chiến lược mua khi cổ phần hóa phải nắm giữ cổ phần trong thời gian tối thiểu 3 năm, không có trường hợp ngoại lệ.

Ðại diện Công ty khẳng định, việc chuyển nhượng của cổ đông lớn là hợp pháp. Quá trình cổ phần hóa, Công ty đã thực hiện đúng quy định pháp luật, đã có ý kiến chấp thuận của Tổng công ty 319.

Ðược biết, theo Nghị định 59/2011/NÐ-CP, nhà đầu tư chiến lược phải nắm giữ cổ phiếu tối thiểu 5 năm.

Tuy nhiên, nếu Ðại hội đồng cổ đông thông qua thì có thể được chuyển nhượng cổ phiếu trước thời hạn 5 năm. Phiên đấu giá cổ phần của Công ty 29 diễn ra vào tháng 10/2017, thời điểm vẫn áp dụng Nghị định 59.

Theo ĐTCK

Minh bạch và hiện đại hóa là chìa khóa chống thất thu thuế

Ngành Thuế đang chuyển mình mạnh mẽ trong công tác chống thất thu ngân sách, đặc biệt nhờ ứng dụng công nghệ số. Giải pháp này không chỉ giúp thu đúng, thu đủ mà còn tạo thuận lợi cho người nộp thuế và xây dựng hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả.

Chống thất thu thuế bằng dữ liệu và công nghệ số

Ngành Thuế đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ với loạt giải pháp đột phá như số hóa, quản lý rủi ro và thanh tra chuyên đề. Những nỗ lực này không chỉ giúp thu đúng, thu đủ cho ngân sách mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống thuế minh bạch, hiện đại trong thời kỳ kinh tế số.

Cuộc chiến cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa đang nằm ở kênh phân phối?

Sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng trên thị trường “sân nhà” là điều mà các doanh nghiệp nội địa không thể làm ngơ. Nhất là “cuộc chiến” cạnh tranh đang nằm ở kênh phân phối khi đua nhau gia tăng độ phủ sản phẩm, như “phép thử” để xem doanh nghiệp liệu có thể đứng vững trong giai đoạn còn nhiều khó khăn này.

Video