Chờ thẩm định giá Vinalines

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa trình Bộ Giao Thông Vận Tải kết quả xác định lại giá trị doanh nghiệp. Đây là lần định giá thứ 3 của Vinalines.

Theo phương án cổ phần hóa (CPH) Vinalines, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Cty mẹ - Vinalines, các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội giữ tới 17,25% và tỷ lệ bán ra ngoài là 17,25%.

Cần tính thêm giá trị lợi thế

Nếu việc thẩm định kết quả định giá từ Bộ Giao Thông Vận Tải suôn sẻ, Vinalines sẽ chính thức công bố giá trị doanh nghiệp để CPH Cty mẹ trước ngày 31/12/2017.

Chuyên gia kiểm toán Nguyễn Huy Hùng nhận định vướng mắc chính của Vinalines nằm ở chỗ giá trị thực tế của doanh nghiệp là bao nhiêu, giá cổ phiếu ở mức nào lại phụ thuộc rất lớn vào việc xử lý nợ và tài sản.

Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu nợ diễn ra song song với quá trình IPO nên kết quả tái cơ cấu nợ tác động rất lớn đến giá trị thực của doanh nghiệp.

18.094,9 tỷ đồng là giá trị thực tế của Vinalines tại thời điểm 31/12/2016 theo Tờ trình số 3212/TTr-HHVN của Chủ tịch HĐTV Vinalines.

Theo báo cáo của cty mẹ tại thời điểm tháng 6/2014, Vinalines nợ 22 tổ chức tín dụng với số tiền hơn 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi định giá doanh nghiệp, phía nhà tư vấn xác định tất cả các khoản nợ phải trả của Vinalines lên đến tới hơn 12.000 tỷ đồng, cao hơn cả nghìn tỷ đồng so với giá trị sổ sách.

Vinalines đang trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ để các khoản nợ này tiếp tục giảm xuống theo hình thức xóa nợ, để khi IPO, giá cổ phiếu không quá thấp.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, phương án định giá cũ không tính tới giá trị lợi thế kinh doanh của Vinalines, nên giá trị doanh nghiệp chỉ được định giá rất thấp. Do vậy, đây là điểm bất lợi cho doanh nghiệp khi IPO.

Nhà đầu tư thường nhìn vào tài sản và giá trị tiềm năng của doanh nghiệp khi quyết định đầu tư cổ phiếu. Với khối tài sản còn nhiều ngổn ngang, gánh trên mình các khoản nợ nặng nề và bị đánh giá là hầu như không có tiềm năng phát triển, nên rất khó để chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp khi IPO…

Giảm nợ gần 10.000 tỷ đồng

Theo Tờ trình số 3212/TTr- HHVN do Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn ký, Vinalines có giá trị thực tế tại thời điểm 31/12/2016 là 18.094,9 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 11.946 tỷ đồng. Theo ông Sơn, kết quả định giá này đã được điều chỉnh, xử lý các nội dung kiến nghị và lưu ý của Kiểm toán Nhà nước.

So với kết quả định giá được Vinalines trình Bộ Giao Thông Vận Tải hồi tháng 6/2017, hầu hết các chỉ tiêu liên quan tới giá trị Cty mẹ - Vinalines đều đã tăng đáng kể.

Theo phân tích các chuyên gia, các chỉ số này tăng bởi trước khi CPH, quá trình sản xuất kinh doanh của Vinalines có nhiều khởi sắc, lợi nhuận tăng đều qua từng năm. Tổng công ty làm ăn có lãi trong 2 năm tài chính gần nhất trước khi CPH. Năm 2015 Vinalines lãi 66 tỷ đồng, chính thức thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu. Có thể, kết quả kinh doanh này đã làm thay đổi cách nhìn nhận đánh giá về Vinalines trước đây.

Sau 3 năm tái cơ cấu, cty mẹ Vinalines đã giảm nợ được 8.021 tỷ đồng, ghi tăng vốn Nhà nước 2.883 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, Cty mẹ giảm được 2.306 tỷ đồng nợ, tăng thêm 21,5% vốn Nhà nước so với thời điểm 1/1/2016. Theo báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Vinalines lên đến 2.148 tỷ đồng.

Ngoài tái cơ cấu tài chính, Vinalines tích cực trong việc tái cơ cấu lại hoạt động. Tính đến hết năm 2016, đội tàu của Vinalines còn 99 chiếc với tổng trọng tải khoảng 2 triệu tấn, giảm 1/3 số lượng tàu.

Đối với các dự án đóng tàu, Vinalines đã dừng triển khai đóng mới hoặc giãn tiến độ các dự án cũ. Điều đó cho phép Vinalines cắt lỗ, đưa đội tàu hoạt động hiệu quả hơn.

Điểm sáng nhất của Vinalines là mảng kinh doanh cảng biển với lợi nhuận trước thuế đạt 923 tỷ đồng trong năm 2016 (tăng 58%). Các cảng sau CPH đều đạt được sự tăng trưởng mạnh. Như cảng Hải Phòng, lợi nhuận trước khi CPH khoảng trên 200 tỷ đồng, nhưng năm 2016 đã đạt trên 670 tỷ đồng. Cảng Đà Nẵng trước CPH chỉ đạt lợi nhuận khoảng 40-50 tỷ đồng, nhưng đến năm 2016 đã đạt lợi nhuận hơn 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ hàng hải và hoạt động khác của Vinalines cũng ghi nhận mức lãi hơn 1.100 tỷ đồng, bằng 93% năm 2015 và cao hơn kế hoạch 74%.

Định giá mới đã sát thực tế?

Theo kết quả định giá mới, giá trị doanh nghiệp thực tế của Cty mẹ - Vinalines đã tăng thêm 1.353 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng 1.801 tỷ đồng. Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp- Cty mẹ Vinalines đã tăng từ mức 407,6 tỷ đồng lên 583 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu giảm của Cty mẹ - Vinalines đáng chú ý nhất là tài sản cố định và đầu tư dài hạn giảm 221,6 tỷ đồng, tổng nợ phải trả giảm 448,1 tỷ đồng. Các tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp là tài sản không cần dùng tại Cty mẹ - Vinalines trị giá 1.016,1 tỷ đồng và tài sản không cần dùng nhận từ Cảng Sài Gòn trị giá 2,8 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, kết quả tư vấn định giá còn một số hạn chế. Đó là việc Vinalines và liên danh tư vấn định giá xác định nguyên giá 12 tàu biển theo giá mua bán trên thị trường tàu cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu “tính theo giá mua mới của tài sản tương đương” hoặc “giá tài sản mới cùng loại đang mua, bán trên thị trường” theo quy định tại khoản 1, Điều 18, Thông tư số 127/2014/TT – BTC của Bộ Tài chính.

Với phương pháp định giá trên của liên danh tư vấn, giá trị 12 tàu biển đã bị giảm quá lớn so với giá trị sổ sách. Tuy nhiên, tàu biển là loại tài sản cố định, có một số tính chất đặc thù, khó tìm kiếm những tài sản tương đương, cũng như giá mua mới để tham chiếu.

Vì vậy, việc định giá của liên danh tư vấn kiểm toán, theo quan điểm Kiểm toán Nhà nước, tuy chưa hoàn toàn sát đúng, nhưng phần nào đã thể hiện tính thị trường.

Trong khi chờ Bộ GTVT phê duyệt giá trị doanh nghiệp, Vinalines cũng đã khởi động tìm kiếm đối tác chiến lược. Hiện Rent A Port (Tập đoàn Ackermans & Van Haaren-Bỉ) đang xem xét mua 10% vốn điều lệ khi Vinlines CPH. Hy vọng với phương án định giá mới này được Bộ GTVT thông qua, sẽ là cơ hội cho Vinalines cất cánh, đồng thời dọn đường cho ngành vận tải biển IPO tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường quốc tế…

Theo DĐDN

 
Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video