Bức tranh KDKQ 6 tháng đầu năm: Tăng trưởng LNST toàn thị trường đạt 9,2%
Nhóm ngành Bất động sản, Xây dựng và VLXD tiếp tục nổi lên như một điểm sáng về tăng trưởng lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhóm Vận tải – logistics, Bảo hiểm và Chứng khoán cũng cho thấy diễn biến tích cực cả về giá và KQKD trong quý 2.
Báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt cho biết trong 5 phiên giao dịch đầu tiên của tháng Tám thì VNIndex đã giảm đến 4 phiên. Câu chuyện của TTF-DRH-KSB và Tân Liên Phát chỉ là chất xúc tác để thị trường giảm điểm khi các cổ phiếu không còn nhận được sự hỗ trợ cả về thông tin lẫn thanh khoản.
Càng về cuối tháng Bảy diễn biến phân hóa trên thị trường càng thể hiện rõ nét. Trong đó, những cổ phiếu có KQKD 6 tháng đầu năm tích cực tiếp tục tăng giá hoặc ít nhất thì cũng trụ vững trong những phiên biến động mạnh, điển hình là nhóm Xây dựng và VLXD với HSG, HPG, CTD, NNC, ...
Ở chiều ngược lại, việc giá dầu thô trên thị trường thế giới rơi về mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây khiến các đại diện ngành dầu khí như GAS, PVD và PVS tiếp tục lao dốc.
Trong tháng Tám, bên cạnh sự biến động thanh khoản, VDSC đánh giá kỳ vọng về KQKD sáu tháng cuối năm vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến diễn biến của cổ phiếu.
Thống kê 477 doanh nghiệp đã công bố BCTC bán niên (chiếm 3/4 vốn hóa toàn thị trường) cho thấy LNST quý 2 cũng như sáu tháng đầu năm của các công ty niêm yết có sự sụt giảm nhẹ.
Hai quý đầu năm nhóm cổ phiếu có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng nhìn chung có mức tăng trưởng KQKD khá tốt. Nhóm này ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 14% và 15% về cả doanh thu và LNST. Tăng trưởng của nhóm này được dẫn dắt bởi các trụ cột như HPG, VNM, VIC và VCB. Không bất ngờ khi GAS, STB và EIB đều công bố KQKD kém khả quan trong 6 tháng đầu năm.
Đáng chú ý hơn, trong khi nhóm vốn hóa từ dưới 1.000 tỷ đồng tăng trưởng liên tục trên 20% về LNST trong 2 quý đầu năm thì nhóm cổ phiếu vốn hóa từ 1.000 đến 10.000 tỷ đồng có sự sa sút đáng kể. Ngay cả khi loại trừ ảnh hưởng từ ngành dầu khí và KDC (ghi nhận lợi nhuận đột biến từ việc chuyển nhượng Kinh Đô Bình Dương quý 2/2015), tăng trưởng LNST của nhóm vốn hóa trung bình vẫn thua xa 2 nhóm còn lại ở mức âm 2.9%. Góp phần lớn vào sụt giảm của nhóm này là REE và PPC với các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá JPYVND. Trong khi KQKD của PVS chịu ảnh hưởng từ bức tranh tiêu cực chung toàn ngành thì HHS không thể lặp lại kỳ tích tăng trưởng năm 2015 khi nhu cầu về xe tải đã bão hòa sau 1 năm áp dụng quy định siết chặt tải trọng.
Về nhóm ngành, nhóm ngành Bất động sản, Xây dựng và VLXD tiếp tục nổi lên như một điểm sáng về tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu nhờ sự bùng nổ của các dự án hạ tầng và BĐS. Bên cạnh đó, nhóm Vận tải – logistics, Bảo hiểm và Chứng khoán cũng cho thấy diễn biến tích cực cả về giá và KQKD trong quý 2.
Đối với nhóm xây dựng và VLXD, HSG, HPG và BMP tiếp tục khẳng định vị thế đầu ngành. Mạng lưới kinh doanh rộng lớn, chu trình sản xuất hoàn thiện và thương mạnh giúp các doanh nghiệp nói trên tận dụng được sư bùng nổ về hoạt động xây dựng trên cả nước và ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong sáu tháng đầu năm. Bên cạnh nhà thầu dân dụng hàng đầu là CTD, những công ty xây dựng nhỏ như SRF và FCN cũng thu hút sự quan tâm khi công bố mức tăng trưởng hai con số về doanh thu và lợi nhuận trong quý 2. SRF hiện doanh nghiệp lớn thứ hai cả nước trong lĩnh vực cơ điện công trình (M&E). Nhờ năng lực thi công và tình hình tài chính tốt, SRF đã gia tăng được đáng kể giá trị hợp đồng trong sáu tháng đầu năm và rút ngắn khoảng cách với vị trí số 1 của REE trong mảng M&E tại Việt Nam.
Thông tư 06/2016/TT-NHNN vừa được ban hành đã lùi thời điểm chính thức tăng hệ số rủi ro cho vay BĐS và giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại các NHTM sang năm 2017 và kéo dài lộ trình thực hiện đến 2018. VDSC kỳ vọng giao dịch trên thị trường BĐS sẽ khả quan hơn trong quý 3. Trong nhóm cổ phiếu BĐS, TDH, LHG, KDH và BCI là những doanh nghiệp có nhiều lợi thế về quỹ đất cũng như triển vọng lợi nhuận khả quan trong năm 2016. Hiện tại, chúng tôi đánh giá tích cực đối với TDH nhờ mức định giá tương đối thấp cũng như những nỗ lực gần đây của Công ty trong việc bổ sung quỹ đất và đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đồng thời, nhu cầu dồi dào đối với phân khúc căn hộ vừa túi tiền tại TP.HCM là yếu tố hỗ trợ về dài hạn đối với triển vọng tiêu thụ của TDH.
Trong khi phần lớn các công ty dầu khí có sự sụt giảm mạnh về KQKD, PVT ghi nhận sự nhảy vọt trong sáu tháng đầu năm. Bên cạnh các mảng truyền thống và vận chuyển xăng dầu và LPG, mảng dịch vụ kho nổi (FSO) và vận tải than cho các nhà máy nhiệt điện là cũng những phân khúc tiềm năng đang được PVT khai thác. Đặc biệt, PVT là một trong những doanh nghiệp hưởng lớn nhiều nhất từ hành nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (dự kiến cuối năm 2017).
Như vậy, theo VDSC nếu loại trừ ảnh hưởng của KDC, mức tăng trưởng LNST toàn thị trường vẫn đạt 9,2%, phù hợp với dự báo cả năm ở mức 10%. Và với mức tăng trưởng này, việc VNIndex dang ở quanh mốc 640 (tức tăng 11% so với đầu năm) thì thị trường đang trong trạng thái ”không đắt cũng không rẻ”, đồng thời có lẽ đã phản ánh phần nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư về KQKD của các doanh nghiệp trong cả năm 2016. Yếu tố có thể giúp thị trường tiến lên mặt bằng giá cao hơn từ nay đến cuối năm có thể là kỳ vọng xa hơn về triển vọng năm 2017. Tuy nhiên, thời điểm này có lẽ là hơi sớm để bức tranh dài hạn đó thể hiện một cách rõ nét.
Theo Tài Nguyễn CTCP Chứng khoán Rồng Việt