Bộ trưởng Bộ NN-PTNT “chỉ mặt” nguyên nhân “khủng hoảng thừa” ngành chăn nuôi lợn

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp “khủng hoảng” nghiêm trọng khi giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay ở VN và cũng là mức rẻ nhất thế giới.

Sáng ngày 24/4, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị tìm giải pháp để “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn Việt Nam.

Giá thấp cực điểm

Đánh giá về tình hình nguy cấp của ngành chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa.

“Đặc biệt là mặt hàng thịt lợn đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Giá lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110 kg/con) đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới” - ông Hoàng Thanh Vân nhận định.

Cũng theo ông Vân, nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được.

Ví dụ điển hình như tình trạng “cắm” sổ đỏ nhà đất, sổ đỏ trang trại của nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai vì không có vốn duy trì đàn lợn nhiều tháng qua. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từng chia sẻ, người chăn nuôi lợn đang đứng bên bờ vực phá sản. Nhiều hộ chăn nuôi cố gắng duy trì đàn phải mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại chăn nuôi thế chấp cho đại lý cung cấp cám để tiếp tục, nhưng khi lợn nuôi “quá lứa” lại bị ép giá “rẻ bèo”. Thậm chí, nhiều chủ hộ chăn nuôi còn phải “cắm” cả sổ đỏ nhà đất cho ngân hàng hoặc các cơ sở tín dụng để giữ trang trại và hi vọng giá lợn hơi sẽ khởi sắc trở lại.

Đồng quan điểm như trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Thịt lợn đang “khủng hoảng thừa” nghiêm trọng. Suốt gần nửa năm qua, giá thịt lợn liên tục sụt giảm. Những ngày này có lẽ là cực điểm khi giá thịt heo thấp nhất trong nhiều năm qua.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao dẫn đến tình trạng này? đề nghị cần có giải pháp gì để bình ổn giá thịt lợn, công ăn việc làm cho bà con nông dân, các doanh nghiệp nói chung”- ông Cường nói.

Vì sao nên nỗi?

Với thực trạng đáng báo động về “khủng hoảng thừa” nêu trên, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn chỉ những nguyên nhân chính khiến giá lợn rớt thê thảm. Cụ thể, nguyên nhân thứ nhất là ở nguồn cung đang lớn hơn cầu. Cụ thể, trong 15 năm qua, chăn nuôi Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, bình quân 5-6%/năm. Đến năm 2016, sản lượng thịt các loại đã tăng gấp gần 3 lần sau 15 năm, đạt 5,2 triệu tấn (thịt lợn chiếm 3,9 triệu tấn). Mức này đang vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa.

Thứ hai là vấn đề yếu ở khâu chế biến của ngành chăn nuôi. Hiện, chỉ một số doanh nghiệp lớn có tổ chức chế biến sâu, còn lại nhìn tổng thể rất yếu. Tiêu thụ vẫn theo truyền thống bán thịt lợn tươi là chính, chưa có chế biến, bảo quản lâu dài dẫn đến giá trị gia tăng của thịt lợn không cao.

Thứ ba là vấn đề ở khâu tổ chức thị trường của ngành này cũng kém, kể cả nội địa và xuất khẩu. Trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi, dẫn đến nhiều rủi ro cho người nông dân khi có sự cố thị trường.

Mạng lưới phân bổ hiện cũng chưa được nhiều. Thịt lợn VN mới xuất khẩu được một số ít đi các nước Singapore, Hồng Kông… các thị trường lớn chưa xâm nhập được.

“Ngoài ra còn có sự cố chấp của người chăn nuôi trong các chuỗi giá trị”- ông Cường nói.

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video