BHS có dễ thâu tóm Tanisugar?

Sau thành công của thương vụ sáp nhập với CTCP Đường Ninh Hòa (NHS), HĐQT CTCP Đường Biên Hòa (BHS) có ý định mở rộng quy mô hoạt động bằng việc thâu tóm các doanh nghiệp trong lĩnh vực, và CTCP Mía đường Tây Ninh (Tanisugar) sẽ là mục tiêu kế tiếp.

“Mật ngọt” từ NHS

Thương vụ sáp nhập NHS vào BHS được thực hiện ngày 30-10-2015, thời điểm toàn bộ CP NHS được hoán đổi thành CP BHS. Sau khi thực hiện sáp nhập, BHS trở thành công ty mẹ nắm 100% vốn của Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa. Việc sáp nhập giúp quy mô vốn điều lệ của BHS thêm gần 96%, từ 629,9 tỷ đồng lên 1.233 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cái được lớn nhất của BHS trong thương vụ này không chỉ từ con số vốn điều lệ, mà chính là sự ghi nhận mức tăng trưởng kinh doanh đột biến trong niên độ 2015-2016. Theo đánh giá, thành công của BHS trong niên độ này ngoài yếu tố sự hồi phục của giá đường, còn đến từ việc tận dụng lợi thế có được từ vụ sáp nhập với CTCP Đường Ninh Hòa (NHS). Cụ thể, niên độ 2015-2016, BHS ghi nhận doanh thu đạt 4.370 tỷ đồng (tăng 46,9%), lợi nhuận đạt 248,6 tỷ đồng (tăng 151,7%).

bhs 1kg

Theo phân tích, việc sáp nhập với NHS là bước đi chiến lược khi BHS có thể quản lý nguồn cung đầu vào hiệu quả hơn. Cụ thể, do sản phẩm chủ lực là đường thô và đường RS nên BHS sẽ tận dụng được nguồn đường thô đầu vào này cho hoạt động sản xuất và gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng.

Xét về vùng nguyên liệu, với diện tích trồng nguyên liệu quy mô 12.069ha, NHS sẽ đóng góp đáng kể vào năng suất của BHS, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu của BHS lên 24.779ha. Đến thời điểm hiện tại, BHS hiện có 4 nông trường là Tây Ninh (8.042ha), Trị An (4.667ha), Thành Long (1.260ha) và Ninh Hòa (12.069ha). Hơn hết, việc sáp nhập NHS sẽ giúp BHS mở rộng hệ thống phân phối nhờ vào thị trường Bắc Trung bộ vốn có của NHS, trong khi BHS vốn chỉ có thế mạnh tại thị trường miền Nam.

SBT sẽ buông Tanisugar?

Tại ĐHCĐ bất thường niên độ 2016-2017 được tổ chức ngày 15-8, HĐQT BHS đã thông qua phương án phát hành thêm 38,8 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30%. Song song đó, BHS phát hành 129,5 triệu CP chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP.

Theo giải trình của BHS, tổng số tiền thu được từ đợt phát hành này 1.295 tỷ đồng sẽ được doanh nghiệp bổ sung vào vốn lưu động và thực hiện đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, quy mô vùng nguyên liệu, giảm giá thành sản xuất, gia tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao vị thế trong ngành.

Cụ thể, nguồn vốn này được BHS phân bổ như sau: đầu tư nâng cấp nhà máy đường tinh luyện (262 tỷ đồng), đầu tư vùng nguyên liệu (445,2 tỷ đồng), tái cơ cấu nguồn vốn hoạt động (237,8 tỷ đồng). Ngoài ra, BHS sẽ sử dụng 27% số tiền từ đợt phát hành này để đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành (khoảng 150 tỷ đồng) và mua thêm cổ phần Tanisugar nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 26,49% lên 70% (khoảng 200 tỷ đồng). Hoạt động đầu tư này dự kiến được BHS thực hiện trong năm 2017.

Được biết, hoạt động sản xuất kinh doanh chính Tanisugar bao gồm sản xuất đường, bột sắn và các dịch vụ kho bãi. Tanisugar còn có vốn góp tại nhiều công ty liên doanh liên kết trong lĩnh vực đóng gói. Đây là những lĩnh vực BHS không có thế mạnh.

Do đó, nếu nắm cổ phần chi phối tại Tanisugar, sức cạnh tranh và vị thế của BHS sẽ không ngừng được nâng cao. Tanisugar vừa được chuyển đổi từ công ty TNHH MTV thành CTCP từ tháng 2-2016. Trong danh sách cổ đông của Tanisugar, cổ đông nắm cổ phần lớn nhất là CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) nắm giữ 39,23%, kế đến là BHS và UBND tỉnh Tây Ninh nắm giữ lần lượt 26,49% và 17%.

Trên thực tế, SBT cũng từng là cổ đông lớn tại BHS khi nắm giữ gần 21 triệu CP BHS (tương đương 16,97% vốn điều lệ), nhưng giữa tháng 7 vừa qua, SBT đã không còn là cổ đông lớn của BHS sau khi bán ra toàn bộ số cổ phần này. Việc SBT thoái vốn khỏi BHS được giới đầu tư cho rằng SBT chuẩn bị vốn để mua lại nhà máy đường của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tại Lào.

Do đó, nhiều khả năng SBT sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi Tanisugar, tạo cơ hội cho BHS hoàn thành mục tiêu nắm cổ phần chi phối tại Tanisugar. Tuy nhiên, việc mạnh tay đầu tư thâu tóm của BHS nếu thành công, ít nhiều cũng tạo ra những rủi ro vì ngành mía đường nội địa vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chẳng hạn, chi phí sản xuất đường cao hơn các nước trong khu vực do quy mô vùng nguyên liệu nhỏ và tỷ lệ cơ giới thấp. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài gia tăng mạnh khi hiệp định AFTA chính thức có hiệu lực từ năm 2018. Khi đó, đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm từ mức 25-80% như hiện nay xuống chỉ còn 5%.

Theo Kim Giang - Saigondautu

Tags:

Giá vàng hạ nhiệt: Cơ hội hay rủi ro?

Sau thỏa thuận Mỹ - Trung, giá vàng thế giới bước vào chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn, trong khi thị trường vàng Việt Nam vẫn chịu áp lực chênh lệch cao, đòi hỏi nhà đầu tư cân nhắc chiến lược thận trọng.

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Video