Beton6 - "Công ty doanh thu ngàn tỷ "mần ăn" thua bà bán tạp hóa"
Việc đưa doanh nghiệp đầu tư "lùi vào bóng tối" cho thấy những sự toan tính khó hiểu của các cổ đông lớn nắm quyền chi phối ở BT6. Trong khi đó,cổ đông nhỏ hơn lại đang phải đau đầu chọn lựa giữa việc "đi hay ở".
Sau hơn nữa năm rời sàn, công ty cổ phần Beton 6 (HOSE: BT6) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2016 tại Bình Dương.
Báo cáo của ban điều hành Beton 6, doanh thu hợp nhất năm 2015 của công ty này đạt mức 1.140 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2014. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của BT6 chỉ ở mức 25 tỷ đồng giảm 41% so với năm trước.
Với tình hình kinh doanh có doanh thu tăng trưởng khá tốt. Riêng công ty mẹ có doanh số lên đến 1.133 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 10 tỷ đồng trong năm 2015 là con số quá ít ỏi. Khiến một số cổ đông trung thành với BT6 còn đánh giá về công ty này rằng "công ty gì mà mần ăn còn thua bà bán…tạp hóa".
[caption id="attachment_25547" align="aligncenter" width="576"]
Tình hình tài chính của BT6 đang ngày càng suy yếu hơn. Đến cuối năm 2015, lượng tiền và tương đương tiền của BT6 chỉ còn khoảng 13 tỷ đồng so với con số 34 tỷ đồng đầu năm.
Cuối năm 2015, các khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của BT6 cũng tăng hơn gấp đôi từ mức 28,8 tỷ đồng hồi đầu năm lên con số 62,4 tỷ đồng. Các khoản nợ xấu quá hạn trên 3 năm tăng mạnh lên 81 tỷ đồng khiến công ty phải trích lập 62,4 tỷ đồng. Khi cổ đông thắc mắc vì sao dự phòng nợ xấu tăng thì các vị lãnh đạo hiện tại của công ty này cho biết đây là các khoản nợ xấu được kết chuyển từ các năm trước đó và là hệ quả của dàn lãnh đạo trước để lại.
Huy động vốn khi triển vọng kinh doanh không rõ ràng
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của BT6 xuất hiện khoản bất động sản đầu tư 132,4 tỷ đồng. Trước đó năm 2014 chỉ 3,3 tỷ đồng. Trong năm 2015 công ty đã phát sinh 129 tỷ đồng từ mua 03 lô đất tại khu công nghiệp Long Hậu.
Tổng giá trị của 3 lô đất C1, C2, C3 tại Khu Công Nghiệp Long Hậu là 129 tỷ đồng, nhưng trong thời gian qua BT6 không đủ tiền để mua được khu đất đó. Theo giải trình từ phía doanh nghiệp này thì BT6 hiện chưa có lợi nhuận từ việc đầu tư này. BT6 hiện phải chịu một khoản lãi vay trả chậm và khoản lãi phạt, cộng thêm số tiền mà BT6 đã bỏ ra thì đến bây giờ là 200 tỷ đồng.
Theo đại diện công ty này, đây là phần đất mà công ty sẽ có lời nếu bỏ tiền ra để được sử dụng ngay bây giờ vì giá đất tại khu vực này đang tăng lên. Do vậy, BT6 cần phải huy động 200 tỷ đồng trong năm nay để lấy được quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, BT6 cũng muốn phát triển về hướng này, vì dự báo sắp tới TP.HCM sẽ mở rộng xây dựng phía này khi mà đường cao tốc Long Thành và Trung Lươnng kết nối.
Theo đó, BT6 đưa ra kế hoạch phát hành tăng vốn từ phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược thêm 20 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá tương đương với 200 tỷ đồng để lấy được quyền sử dụng khu đất tại Long Hậu.
Trước tình hình này, có vị cổ đông có ý kiến rằng: “trước khi rút niêm yết BT6 chỉ có giá trên 5.000 đồng, nhưng lại có kế hoạch phát hành với giá 10.000 đồng một cổ phiếu. Điều gì sẽ giúp cho đợt phát hành thành công khi mà BT6 vẫn chưa tạo ra được lợi nhuận đủ sức hấp dẫn, nếu không phát hành được với giá 10.000 đồng/cổ phiếu thì phương án nào khác không”
Tuy vậy, câu trả lời nhà cổ đông này nhận được đó chính là bằng “niềm tin”. Phía ban lãnh đạo BT6 không đưa ra được sự thuyết phục đối với cổ đông mà chỉ nhắn nhủ với cổ đông rằng hãy tin vào ban lãnh đạo thêm khoảng một đến 2 năm nữa thì tình hình sẽ khác.
Cổ đông lớn nhất của BT6 là ông Trịnh Thanh Huy cũng đứng dậy phát biểu sẽ cam kết tiếp tục góp vốn thêm tại công ty.
Được biết, Ông Trịnh Thanh Huy là sáng lập viên CTCP thương mại Đầu tư HB, đơn vị cũng đang là cổ đông lớn tại BT6. Đồng thời ông còn là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần BĐS Bình Thiên An, đơn vị khá nổi tiếng với dự án Đảo Kim Cương và Metropolis Thảo Điền tại Tp.HCM
Sự toan tính khó hiểu của cổ đông lớn và thế khó cho cổ đông nhỏ.
Cổ đông đặt ra nhiều nghi vấn đề đối với ban lãnh đạo và những người đang nắm cổ phần chi phối công ty này. Có quan điểm cho rằng, doanh nghiệp muốn huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu thì huy động lúc niêm yết mới hợp lý này nhưng tại sao ban điều hành lại BT6 tự rút niêm yết và huy động “dưới sàn” ?
Đa phần cổ đông nhỏ liệu có dám bỏ tiền ra mua với mức giá như vậy khi mà tương lai của BT6 là quá mơ hồ. Các kế hoạch kinh doanh không rõ ràng. Ban lãnh đạo thì toàn mới. Chức danh kế toán trưởng cũng đã thay tới 3 lần chỉ trong thời gian ngắn là điều cổ đông hết sức nghi ngại.
Hơn nữa, một công ty không trả cổ tức, cổ đông ôm cổ phiếu đã bị lỗ do giá giảm mạnh. Hiện nếu muốn bán thu hồi vốn được chỉ bán được giá xấp xỉ hơn 4.000 đồng một cổ phiếu. Thì việc phát hành với giá 10.000 đồng một cổ phiếu thì rõ ràng là quá sức đối với các cổ đông nhỏ.
Đến lúc này, những cổ đông nhỏ lẽ đang nắm cổ phần của BT6 mới thực sự rơi vào thế khó. Tới chẳng được mà lui cũng chẳng xong. Trong khi thời điểm BT6 niêm yết lên sàn trở lại vẫn chưa được đưa ra cụ thể mà ban lãnh đạo công ty này chỉ cho biết là có thể lên sàn Upcom vào năm 2017.
Với tham vọng mở rộng hệ thống kinh doanh trong ngành xây dựng và bất động sản, Ông Trịnh Thanh Huy cùng tập đoàn HB và các đơn vị thành viên đã thực hiện rất nhiều vụ M&A với các công ty trong ngành này như Beton 6, Descon, Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Việt Nam, CTCP BĐS Bình Thiên An, HB Quảng Nam…
Tuy nhiên, có một điểm chung trong cách làm họ là việc đi đến đâu thì ở đó đều thay ban lãnh đạo và xuống sàn. Cụ thể là đối với trường hợp của Beton 6 và Descon, 2 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.HCM.
Đối với trường hợp của Descon (DCC), sau khi Ông Huy nắm quyền kiểm soát công ty này thì DCC đã bị buộc Hủy niêm yết trên HOSE từ 15/12/2011 vì vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin. Lúc đó, cũng đã có nhiều nhận xét rằng DCC có thể không công bố thông tin đúng quy định để “được” hủy niêm yết bắt buộc.
Việc đưa các doanh nghiệp mình đầu tư lùi vào bóng tối cho thấy những sự toan tính khó hiểu của cổ đông lớn này. Các chuyên gia chứng khoán nhận định rằng, điểm chung của việc đưa doanh nghiệp xuống sàn là các công ty đều có những mục đích riêng. Nhưng mục đích riêng đó là gì đi nữa thì nó cũng chỉ có thể thỏa mãn mục đích của một nhóm cổ đông lớn nắm quyền biểu quyết.
Suy cho cùng khi một doanh nghiệp đã rời sàn thì khó có thể kỳ vọng được sự minh bạch thông tin và tài chính khi không phải chịu cơ chế giám sát và nghĩa vụ công bố thông tin. Phần thiệt thường chỉ thuộc về những cổ đông nhỏ “trót lỡ” nắm giữ dài hạn những cổ phiếu như thế này.
Theo NDH