AJC đuối sức đường trường
TCty Vàng Agribank Việt Nam (AJC) từng là một trong những DN top đầu của ngành vàng, nhưng nay lại rơi vào tình trạng bết bát. Vì đâu AJC lại bị đuối sức trong cuộc đua với các DN cùng ngành?
Doanh thu “xuống dốc” không phanh
Nếu như doanh thu của AJC năm 2008 đạt trên 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng, thì đến năm 2016 lần lượt chỉ còn 1.200 tỷ và 2,9 tỷ đồng lợi nhuận. Thậm chí trước đó, AJC còn bị thua lỗ khá nặng, điển hình bị lỗ ròng 11,5 tỷ đồng trong năm 2015. Sở dĩ AJC rơi vào tình trạng khó khăn như vậy là do NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, các thương hiệu khác như vàng miếng 3 chữ A của Agribank và AJC phải ngừng sản xuất, khiến nguồn thu từ hoạt động này của AJC không còn. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu của AJC cũng gần như không còn do từ nhiều năm nay NHNN không cấp phép cho bất kỳ DN nào nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ngoài ra, AJC cũng đã ngừng hoạt động đại lý huy động vàng cho Agribank từ nhiều năm nay theo quyết định của NHNN.
Trước đây, các hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng nguyên liệu và các sản phẩm vàng bạc, đá quý mang lại khoảng 70% doanh thu cho AJC, thì đến nay chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ. Khó khăn của AJC chưa dừng lại ở đó, mà tiếp tục trượt dài sang năm 2017 và dự kiến cả những năm tiếp theo.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của AJC chỉ đạt 535 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ. Tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu thuần của Cty vẫn ở mức 98,1% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán quá cao, nên lãi gộp của AJC chỉ đạt 10,4 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của Cty chỉ ở mức 1,94%, thấp hơn nhiều so với PNJ.
Do không còn được sử dụng các công cụ phái sinh, trong khi nguồn cung vàng miếng không ổn định, nên AJC rất thận trọng trong hoạt động kinh doanh để bảo toàn vốn của các cổ đông, đặc biệt của Agribank. Do đó, số lượng tiền gửi ngân hàng của AJC khá lớn, đem lại cho Cty 1,8 tỷ đồng tiền lãi trong kỳ (lãi tiền gửi ngân hàng của AJC năm 2016 hơn 3,4 tỷ đồng).
Do khó khăn, nên AJC đã tiết giảm đáng kể chi phí quản lý, đặc biệt là chi phí tiền lương giảm tới mức tối thiểu, nên chi phí này trong kỳ chỉ còn 3,5 tỷ, giảm 28,5% so với kỳ trước và giảm nhiều lần so với những năm trước đây. Nhờ vậy, AJC đã lãi ròng hơn 1,3 tỷ đồng sau 6 tháng, nhưng giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù sao, kết quả này cũng khá hơn so với khoản lỗ ròng nhưng năm trước 2016.
Chờ lên sàn Upcom
AJC có vốn điều lệ 206 tỷ đồng, trong đó Agribank nắm 61,24% vốn. Cty được cổ phần hóa tháng 9/2008 trên cơ sở đấu giá bán cổ phần lần đầu tiên (IPO) thành công, với giá bình quân 11.626 đồng/cổ phần. Theo đó, Seabank và Tập đoàn Nam Cường đã trở thành 2 cổ đông chiến lược của AJC.
Mục đích đưa Tập đoàn Nam Cường làm cổ đông chiến lược là để giúp AJC lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, mục đích này đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Còn đối với SeaBank, cổ đông này cũng chưa giúp gì nhiều cho AJC.
AJC đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/02/2017 để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Theo đó, cổ phiếu của AJC đã bị tạm ngừng chuyển nhượng từ ngày nói trên đến ngày cổ phiếu của Cty được giao dịch trên sàn Upcom. Tuy nhiên, đã hơn 6 tháng kể từ ngày đăng ký giao dịch trên sàn Upcom, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về ngày AJC chính thức lên sàn.
Được biết, Agribank có 2 Cty sản xuất, kinh doanh vàng là AJC và Cty TNHH MTV Vàng bạc Đá qúy TP HCM (VJC), trong đó VJC đã bị Agribank thoái hết vốn từ nhiều tháng nay. Còn đối với AJC, Agribank cũng đã có kế hoạch thoái vốn tại Cty này. Do AJC là Cty cổ phần nên Agribank chỉ có 2 lựa chọn thoái vốn: Chuyển nhượng vốn trên sàn chứng khoán theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận), hoặc tổ chức đấu giá công khai.
Với việc AJC đã đăng ký giao dịch trên sàn Upcom, thì chắc chắn Agribank đã chọn phương án thoái vốn thông qua giao dịch khớp lênh, thỏa thuận. Tuy nhiên, với tình hình của AJC việc thoái vốn của Agribank tại AJC đảm bảo hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong trường hợp chuyển nhượng vốn dưới mệnh giá theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP là vô cùng khó khăn.
Bắt kịp xu hướng tái cơ cấu Chủ trương của Chính phủ sẽ tiếp tục thu hẹp sản xuất, kinh doanh vàng miếng trong những năm tới. Do đó, các DN kinh doanh vàng muốn tồn tại và phát triển, thì phải đẩy mạnh mảng vàng trang sức. Nắm bắt được xu hướng này, các DN lớn trong ngành, như PNJ, DOJI, SJC, Phú Quý… đã và đang đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, thông qua việc đầu tư xây dựng, mở rộng các nhà xưởng có quy mô lớn, hiện đại để tăng năng lực sản xuất. Trong khi đó, AJC hiện chưa có động thái nào để chuyển hướng hoạt động theo tình hình mới, ngoài việc đang xây dựng xưởng chế tác vàng, hàng trang sức tại Cụm Công nghiệp Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội theo hướng liên doanh, liên kết để chuyển nhượng. Do không chịu nghiên cứu đầu tư, mở rộng, đổi mới mảng vàng trang sức, nên doanh thu của AJC hiện vẫn đang dựa chủ yếu vào kinh doanh vàng miếng, chiếm khoảng trên 65% tổng doanh thu. Còn doanh thu từ kinh doanh vàng trang sức chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ. Tuy nhiên, phát triển vàng trang sức đối với AJC cũng không phải đơn giản, bởi hiện nay NHNN chưa cấp phép cho DN nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, các DN chủ yếu thu mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường để sản xuất vàng trang sức. Điều này chỉ có lợi cho các DN nộp thuế khoán, nhưng lại nằm ngoài tầm với của AJC. Ngoài ra, bộ máy tổ chức của AJC hiện nay vẫn cồng kềnh, thiếu năng động và hiệu quả, chưa thích ứng được với yêu cầu phát triển của tình hình mới. Bởi vậy, muốn phát triển, cạnh trạnh tranh được với các DN trong và ngoài nước, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; ASEAN- Hàn Quốc; ASEAN - Nhật Bản có hiệu lực, thì AJC phải tái cơ cấu toàn diện từ tổ chức đến hướng hoạt động. |