27% "chiếc bánh" khách sạn Kim Liên sẽ về tay ai?
27% vốn điều lệ của Công ty Du lịch Kim Liên (đơn vị quản lý Khách sạn Kim Liên) sẽ được đấu giá với mức giá khởi điểm 305.053 đồng/cp vào ngày 27/4 tới.
Cổ đông lớn thứ 2 muốn bán vốn
Khác với 2 năm trước, mức giá khởi điểm lần này cho mỗi cổ phần tại khách sạn Kim Liên là 305.053 đồng (gấp 10 lần giá khởi điểm mà SCIC đưa ra năm 2015).
Số cổ phần sẽ được đấu giá công khai. Nếu không thành công, số cổ phần sẽ được chào bán cạnh tranh thông qua hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô. Trường hợp bán đầu giá cổ phần theo lô cũng không thành công số cổ phần này sẽ được bán thỏa thuận trực tiếp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn với nhà đầu tư.
Với giá khởi điểm cao gấp 10 lần giá 2 năm trước, GPBank muốn thu về ít nhất không dưới 570 tỷ đồng từ số cổ phần nắm giữ tại khách sạn nằm trên "đất vàng" số 5-7 Đào Duy Anh này.
Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên hiện có vốn điều lệ hơn 69,57 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Thaigroup của bầu Thụy nắm giữ 52,4% vốn điều lệ, tiếp đến là PGBank với 26,9% vốn; Công ty Tài chính Bưu điện và Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí Toàn cầu (GP Invest) mỗi bên cũng nắm giữ khoảng 6,7% vốn tại đây còn lại là các cổ đông khác.
ThaiGroup của bầu Thụy, cổ đông lớn nhất chiếm 52,43% vẫn là cái tên sáng nhất. Nếu có thể mua được số cổ phần cần thiết từ GPBank để nắm trên 65% vốn Kim Liên thì ThaiGroup sẽ có nhiều quyền chi phối và có thể quyết định được nhiều vấn đề quan trọng trong hoạt động của Kim Liên.
Sau khi mua 52,4% vốn từ SCIC hồi 2015, Thaigroup định hướng phát triển khách sạn Kim Liên trở thành khu phức hợp cao cấp, điểm nhấn ở khu vực phía nam Hà Nội, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Cộng thêm việc đã từng chi 274.200 đồng/cp từ 2 năm trước thì khả năng tăng thêm ngân sách vào Kim Liên để có thể nắm quyền chi phối trên 65% của Thaigroup là hoàn toàn có thể.
Đổi chủ vẫn chưa đổi vận
Hai năm sau ngày về tay bầu Thụy, khách sạn Kim Liên báo lãi dương liên tục. Tuy nhiên, khách sạn này vẫn chưa thể thoát lỗ lũy kế.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính mới nhất mà Kim Liên công bố, năm 2017, khách sạn thu về gần 143 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so với năm trước đó.
Chi phí quản lý cùng hàng loạt chi phí khác giảm mạnh giúp khách sạn tránh kết quả lợi nhuận âm như năm 2015. Kết quả, cả năm 2017, khách sạn Kim Liên thu về 8,9 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, tăng 19% so với năm 2016.
Về tay Thaigroup kể từ 2016, lợi nhuận của Kim Liên bắt đầu khởi sắc trở lại với mức lãi 7,5 tỷ và 8,9 tỷ tương ứng trong năm 2016 và 2017. Tính đến hết năm 2017, khách sạn Kim Liên còn khoản lỗ lũy kế hơn 17,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu khách sạn là 57,5 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ so với năm trước nhưng vẫn nhỏ hơn vốn góp của chủ sở hữu là 69,6 tỷ đồng. Ngoài ra, khách sạn còn gần 5,3 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Tuy nhiên những biến động về chi phí và hoạt động khác đã khiến cho lợi nhuận sau thuế của công ty diễn biến khá bất thường. Đỉnh điểm vào năm 2015 khi công ty bất ngờ chịu khoản lỗ 25,6 tỷ đồng do chi phí liên quan đến thuế, phí và lệ phí bất ngờ tăng vọt.
Cũng do khoản thua lỗ bất ngờ này mà cổ đông Kim Liên cũng không còn nhận được cổ tức dự kiến 2015 tối thiểu 15%, cổ tức 2016, 2017 và cả 2018 sẽ là con số 0. Giai đoạn 2012-2014, cổ đông vẫn nhận cổ tức đều đặn 16-22%.
Trong cơ cấu doanh thu của khách sạn Kim Liên, phần từ cho thuê phòng nghỉ ngày càng giảm những năm gần đây, thay vào đó là từ dịch vụ ăn uống và nhà hàng.
Cụ thể, năm vừa qua, dịch vụ ăn uống và nhà hàng mang về cho khách sạn Kim Liên tổng cộng gần 60 tỷ đồng, chiếm 42% tổng doanh thu. Tiếp đến là doanh thu phòng nghỉ đạt 54 tỷ đồng, chiếm 38%; hoạt động cho thuê văn phòng địa điểm cũng mang về gần 18 tỷ đồng và các dịch vụ trông xe, điện nước và lữ hành… mang về hơn 8 tỷ đồng.
Sang năm 2018, Kim Liên đưa ra kế hoạch khả quan với tổng doanh thu tăng 5% lên 150,5 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế theo đó đặt ra 16,68 tỷ đồng, cao hơn thực hiện năm 2017 đến 89%.
Tuy lợi nhuận đã có những chuyển biến tốt sau khi về tay Thaigroup nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh chính của công ty có vẻ không được khả quan.
Từng có mức biên lợi nhuận gộp trên 30% nhưng hiệu quả kinh doanh của Kim Liên đang suy giảm sau khi đổi chủ. Biên lợi nhuân gộp giảm từ 27% năm 2015 xuống chỉ còn 14,5% vào năm 2017 đang cho thấy sự bất ổn nhất định trong hoạt động kinh doanh chính của công ty.