“Cửa hẹp” thuê tài chính với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong khi tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp khó, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang tìm đến thuê tài chính. Thế nhưng, cách tiếp cận này cũng không phải dễ dàng.

Tiềm năng lớn nhưng chưa phát huy
Theo TS.Cấn Văn Lực– chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện nay tiềm năng thị trường CTTC Việt Nam còn rất lớn, với khoảng 550.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 22.500 doanh nghiệp FDI. Các kênh huy động vốn trung– dài hạn (năm 2016) của các doanh nghiệp chủ yếu từ phát hành cổ phiếu là 36.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 82.800 tỷ đồng, từ vay vốn các TCTD khoảng 5,5 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường CTTC mới đạt 8.700 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 0,16% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Sở dĩ dư nợ CTTC còn quá nhỏ so với tiềm năng là do DNNVV chưa đủ cơ sở chứng minh năng lực hoạt động, năng lực tài chính để thuyết phục các Cty CTTC. Mặt khác, các Cty CTTC ở Việt Nam chưa phát huy hiệu quả hoạt động, một phần là do Thông tư 36/2014/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn một số điều của Luật các TCTD 2010 quy định các Cty CTTC chỉ được tài trợ tối đa cho một khách hàng trong hạn mức 25% vốn tự có. Điều này đã hạn chế phần nào quy mô kinh doanh của các Cty CTTC.
Bên cạnh đó, mức độ đa dạng cơ cấu nguồn vốn đầu vào của các Cty CTTC chưa cao. Theo đó, các Cty CTTC chỉ được tiếp cận với kênh huy động từ các TCTD hoặc qua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, với tiềm lực và uy tín còn hạn chế, các Cty CTTC hoàn toàn chưa được công chúng đề cao nên chưa sử dụng có hiệu quả kênh phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, các Cty CTTC hiện nay vẫn gặp hạn chế trong cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ. Hệ thống các Cty CTTC tại Việt Nam hiện nay chỉ được phép giao dịch CTTC với tài sản là động sản như máy móc, thiết bị,... mà chưa được phép tiếp cận bất động sản như thực tế diễn ra tại thị trường CTTC quốc tế. Chính việc thiếu đa dạng sản phẩm, dịch vụ của các Cty CTTC vô hình trung lại tạo ra thêm một hạn chế cho sự phát triển của thị trường CTTC.
Giải pháp đẩy mạnh CTTC
Theo các chuyên gia, một trong các giải pháp đẩy mạnh phát triển CTTC hiện nay chính là việc thực hiện liên doanh, liên kết, phối hợp với các đối tác là các doanh nghiệp hay các TCTD. Việc liên doanh, liên kết sẽ giúp các Cty CTTC trong nước học hỏi kinh nghiệm, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động của mình.
Tiêu biểu mới đây Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) liên doanh với Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) thành lập Cty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – SuMi TRUST (BSL).
Bên cạnh đó, các Cty CTTC phải là nòng cốt trong việc tư vấn và phổ biến lợi ích của loại hình tín dụng này đến các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thấy được tính tiện lợi mà mạnh dạn sử dụng loại hình tín dụng này.
Ngoài ra, các Cty CTTC cũng nên cân nhắc mở rộng thêm hoạt động cung ứng cho các nhóm khách hàng thuộc các ngành mới, các lĩnh vực mới với các tài sản nằm trong danh mục được đa dạng hoá. Đồng thời, công tác tiếp thị khách hàng của các Cty CTTC cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để các doanh nghiệp khi có nhu cầu vốn sẽ nhanh chóng tìm ra “địa chỉ” các kênh tín dụng, trong đó họ sẽ hiểu rõ hơn “lợi thế” của CTTC so với tín dụng truyền thống.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, cơ chế, chính sách cần được thiết lập theo hướng đảm bảo an toàn cho bên thuê và bên cho thuê, nhưng không hình sự hóa các quan hệ vay - cho vay.
“Chính phủ cần khuyến khích các Cty CTTC nước ngoài vào Việt Nam, bởi thị trường CTTC ở Việt Nam còn rất non trẻ, trong khi đó ở nước ngoài, có tới 80% các doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 đều thuê các loại máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc này giúp mở cửa thị trường CTTC đa dạng và giúp các Cty CTTC trong nước có cơ hội liên kết mở rộng thị trường và phát triển kinh doanh; còn các DNNVV lại có thêm sự lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp mình. Đồng thời, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ về thuế, về thủ tục hành chính giúp các Cty CTTC trong nước cũng như nước ngoài đầu tư vào thị trường CTTC” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.