'Vận hạn' của Quốc Cường Gia Lai tại 2 dự án mang tên Phước Kiển

Quốc Cường Gia Lai có 2 dự án Phước Kiển, diện tích lần lượt gần 51 ha và 91,6 ha tại huyện Nhà Bè, TP HCM. Dự án gần 51 ha liên quan tới việc Tân Thuận chuyển nhượng với giá rẻ, được cho là gây thất thoát tài sản nhà nước. Dự án 91,6 ha đã ký biên bản hợp tác với Sunny Island từ 2016 nhưng đến nay chưa triển khai, QCGL nộp đơn khởi kiện đối tác.

Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCGL - HoSE: QCG) vừa bị Viện kiểm sát TP HCM nhắc tên trong việc yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ các vấn đề liên quan đến sai phạm của công ty Tân Thuận khi chuyển nhượng dự án Khu dân cư Phước Kiển với giá rẻ. Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra xác định và kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc công ty QCGL trong vụ án.

Nhắc tới QCGL, công ty này không chỉ có một dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM. Ngoài dự án liên quan tới vụ án trên, QCGL còn có một dự án Bắc Phước Kiển khác cũng đang dính vào lùm xùm kiện tụng.

Khu dân cư Phước Kiển gần 51 ha trong vụ án Tân Thuận

Tân Thuận là công ty 100% vốn Văn phòng Thành ủy TP HCM, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.

VnExpress dẫn kết luận điều tra, tháng 11/2000, công ty Tân Thuận được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè và được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư. Tổng diện tích dự án gần 51 ha nhưng đến hết năm 2013, Tân Thuận mới đền bù được 32,4 ha.

Tháng 8/2016, QCGL có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển. Công ty kiểm toán và dịch vụ tin học TP HCM ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 32 ha đất tại dự án trên có giá bình quân là 1,05 triệu đồng/m2.

Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận họp và chỉ căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá để xây dựng đơn giá chuyển nhượng là 1,25 triệu đồng/m2.

Tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho QCGL với giá 1,29 triệu đồng/m2 và đã nhận của QCGL 374 tỷ đồng và 23 tỷ đồng tiền thuế.

Tháng 12/2017, Văn phòng Thành ủy TP HCM đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại giá trị khu đất. Theo Sở, trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất là hơn 574 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, Thường trực Thành ủy chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng khu đất cho QCGL, không đồng ý bán chỉ định. Hợp đồng chuyển nhượng sau đó đã bị hủy bỏ vào đầu năm 2018. Công ty Tân Thuận đã trả lại cho QCGL số tiền trên cùng tiền lãi, gây thiệt hại cho Nhà nước 167,8 tỷ đồng.

Vận hạn của Quốc Cường Gia Lai tại 2 dự án mang tên Phước Kiển - Ảnh 1.
Khu đất Phước Kiển được Tân Thuận bán cho QCGL với giá rẻ. Ảnh: Zing

Trong một văn bản phản hồi của QCGL đầu năm 2018, công ty khẳng định quyền sử dụng đất nông nghiệp tại dự án với diện tích 32 ha không phải đất công, việc chuyển nhượng cũng không phải thông qua đấu giá theo quy định pháp luật. Các thửa đất nhận chuyển nhượng có một số bất lợi như vị trí không tập trung, da beo nhiều, chưa kể có 1 ha bị sạt lở ven sông và hơn 4,5 ha hành lang an toàn. Qua so sánh với giá thị trường ở các thửa đất cùng khu vực, QCGL cho rằng đơn giá đàm phán mua từ Tân Thuận là phù hợp với giá thị trường thời điểm đó và với đặc điểm khu đất.

Thanh Niên dẫn lời bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch QCGL tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2018, cho biết trong cái rủi bắt trả lại đất thì có cái may, QCGL lấy lại được tiền để làm việc khác. Bà Loan tiếp tục kêu "oan" vì miếng đất là đất nông nghiệp, chưa chuyển sang đất ở nên giá bán mới rẻ. Không những vậy, dự án còn 13 ha chưa biết đền bù bao giờ mới xong.

Dự án Bắc Phước Kiển 91,6 ha thỏa thuận bán cho Sunny Land rồi dính kiện tụng

QCGL có một dự án Bắc Phước Kiển, diện tích 91,6 ha, đã đạt được thỏa thuận hợp tác từ năm 2016.  Theo biên bản thỏa thuận ghi nhớ ngày 15/10/2016, QCGL sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny Islans. QCGL cũng nhận từ Sunny Island số tiền 2.883 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại ngày 5/4/2017, 2 bên đã thanh lý biên bản nêu trên do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và đang trong quá trình đàm phán về việc chuyển nhượng.

Tới ngày 31/12/2017, QCGL đã dùng 2.883 tỷ đồng để tất toán nợ vay với BIDV Quang Trung và phát triển các dự án bất động sản. Số tiền này sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai khi việc đàm phán và chuyển nhượng được hoàn tất, dự án đủ điều kiện được phép chuyển nhượng.

Thông tin này vẫn tiếp tục được ghi nhận trong báo cáo kiểm toán năm 2018. Tuy nhiên từ kỳ kế toán năm 2019 đến 2020, QCGL thông tin dự án đã tiến triển qua nhiều giai đoạn với hàng loạt các thủ tục pháp lý thay đổi dẫn đến một số điều khoản trong hợp đồng không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, 2 bên đang đàm phán để có hướng xử lý phù hợp. Trên báo cáo tài chính quý II/2021, QCGL vẫn ghi nhận khoản tiền 2.883 tỷ đồng trên khoản phải trả cho Sunny Island tại dự án này.

Vận hạn của Quốc Cường Gia Lai tại 2 dự án mang tên Phước Kiển - Ảnh 2.

QCGL kiện đối tác Sunny Island liên quan dự án Bắc Phước Kiển. Ảnh: Đình Sơn

Cuối năm 2020, QCGL công bố nộp đơn khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng hứa mua, hứa bán tại dự án Phước Kiển. Theo đó, công ty yêu cầu bị đơn hoàn trả toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ đền bù nhận tại BIDV và toàn bộ hồ sơ đền bù theo 6 biên bản giao nhận hồ sơ mà Sunny Island đang nắm giữ. VIAC đã thông báo thụ lý vụ kiện vào ngày 30/12/2020.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính quý II/2021 soát xét, ban tổng giám đốc QCGL đánh giá rủi ro tổn thất từ vụ kiện là thấp và kết quả sau cùng chưa được xác định. Do đó, công ty chưa tiến hành trích lập dự phòng cho khoản nợ và chi phí phát sinh liên quan tới vụ kiện trên báo cáo tài chính.

Theo Lê Xuân (Người đồng hành)

Thị trường bất động sản đang diễn biến ra sao?

Theo VARS, trong quý vừa qua, các chủ đầu tư đã có động thái mở giỏ hàng mới, các sàn giao dịch bắt đầu tuyển quân, nhà đầu tư nhanh chóng “xuống tiền" là những tín hiệu tốt cho thị trường.

Chung cư tại thành phố lớn là tiêu sản hay tài sản?

Trước diễn biến căn hộ chung cư tại các thành phố lớn thời gian gần đây tăng “nóng”, tâm lý người mua được ghi nhận, dòng sản phẩm căn hộ đối với các đô thị lớn hiện được xem là một tài sản thay vì quan điểm “tiêu sản” như trước kia.

Thị trường bất động sản phục hồi rõ nét

Theo VARS, Q1/2024 là "bước đệm" để thị trường giữ nhịp trước khi chuyển sang bước tiến mới với kỳ vọng sự phục hồi sẽ ngày càng rõ nét ở các quý sau.

Video