Xung lực nào sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển?
Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ
Các công trình hạ tầng chiến lược được TP.HCM đầu tư phát triển, đã tạo ra lợi thế về mặt giao thông, thuận tiện về di chuyển cho người dân.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nhiều dự án giao thông được ưu tiên hoàn thành trong năm 2019, đơn cử như đường Vành đai 2, cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1, 2).
Bên cạnh đó, cầu bắc qua Đảo Kim Cương (đoạn qua nhánh sông Giồng Ông Tố nối khu Thạnh Mỹ Lợi, khu Cát Lái của quận 2 với trung tâm quận 1) vừa đưa vào khánh thành cuối tháng 5.2018, nút giao tại vòng xoay Mỹ Thủy (được thông xe vào tháng 6.2018) cũng góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng tại đây.
Song song đó, TP.HCM cũng đã và đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt Metro: Bến Thành - Suối Tiên. Chính sự phát triển, thay đổi nhanh chóng của hạ tầng đã trở thành động lực tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Nhiều dự án nằm trong quy hoạch tiếp tục triển khai như bến xe Miền Đông mới, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội kéo dài từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn được nâng cấp từ 8 lên 16 làn xe, khu vực Suối Tiên đến làng Đại học Thủ Đức cũng đang xây hầm chui.
Về cơ hội đầu tư bất động sản thuộc các tỉnh giáp ranh TP.HCM trong năm 2019, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết cùng với sự phát triển hạ tầng liên vùng ngày càng hoàn chỉnh, các tỉnh lân cận đã được xem như vùng ngoại ô của TP.HCM. Cơ hội đầu tư về những địa bàn này tuy khá nhiều nhưng còn phụ thuộc vào kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là ga metro.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Trong 11 tháng năm 2018, dòng vốn nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam khoảng 6,5 tỉ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đăng ký vào bất động sản chiếm khoảng 33% vốn đăng ký mới, đứng thứ 2 trong các ngành.
Trong 3 năm qua, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đã tăng theo từng năm. Các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí và quản lý dự án.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết: "Chúng tôi đang nhận được sự quan tâm lớn từ các quỹ nước ngoài, họ đang đặc biệt quan tâm đến yếu tố pháp lý khi đầu tư bất động sản tại Việt Nam".
"Nhiều nút thắt về thủ tục pháp lý liên tục được tháo gỡ, tôi cho rằng trong giai đoạn tới, thị trường bất động sản sẽ đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư mới. Đặc biệt, các doanh nghiệp hiện nay đã rất chủ động tự tìm kiếm nguồn vốn thay thế tín dụng ngân hàng. Trong đó, các doanh nghiệp đã tái cơ cấu mạnh để niêm yết trên sàn chứng khoán, bắt tay với nhiều đối tác là quỹ đầu tư ngoại cùng hợp tác thực hiện dự án. Do vậy, không quá lo là vốn đầu tư bất động sản sẽ "tắc" một khi các ngân hàng "khép" bớt cửa cho vay", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cùng với dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản, những nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế đang đầu tư tích cực hơn vào phân khúc bất động sản công nghiệp, thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở vật chất hiện đại hơn.
Theo ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang đặt nhiều quan tâm đến thị trường logistics và rót vốn đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng. Do đó, phân khúc về logistic cũng đang có sự thay đổi. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc thực hiện “khâu cuối cùng” có tiềm năng đáng kể, cụ thể là nhu cầu về các kho bãi gần các trung tâm kinh tế và các tuyến đường huyết mạch của thành phố.
Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐS công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Trong năm 2019, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam, việc phát triển các khu công nghiệp theo đó cũng phải đồng bộ hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư cũng phải quan tâm đến nhà ở thương mại để đáp ứng các khu công nghiệp
Hoàn thiện chính sách đất đai để minh bạch thị trường
Vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản ngày càng được chú trọng. Các công cụ kiểm soát thị trường như chính sách thuế, tín dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư các dự án... vẫn đang tiếp tục phát huy hiệu quả.
Hiện nay, thủ tục này và thủ tục, quy trình tính tiền sử dụng đất dự án; cấp sổ đỏ căn hộ dự án đang bị kéo dài rất bất hợp lý. Do đó, việc thực hiện chủ trương về cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế chính quyền điện tử, một cửa liên thông để rút ngắn thời gian chấp thuận dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, các chính sách mới hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường: chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19.6.2018 của Chính phủ; Xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo tại phía Đông thành phố, gồm Q.2, Q.9 và Thủ Đức...
Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), để thị trường tiếp tục phát triển ổn định, các bộ, ngành và UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương cần xây dựng mới chính sách thuế nhằm chống đầu cơ, sớm xây dựng tiêu chuẩn, quy định vận hành đối với các loại hình mới (resort villa, condotel, officetel), hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản. Các địa phương cần kiên quyết thu hồi dự án không triển khai, để đất hoang hóa, xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm, công khai danh sách các dự án thế chấp ngân hàng, chậm tiến độ, vướng mắc pháp lý.
Trên cơ sở đó, ông Phấn dự báo thị trường bất động sản trong năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định, không có nguy cơ xảy ra "bong bóng bất động sản". Nhưng thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.
Trần Linh